Ngày 23/11 hằng năm là Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam. Ngày hội năm 2019 mang chủ đề “Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển”. Đây là sự kiện quan trọng, cơ hội giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc...
Gương mặt tươi tỉnh, ông trung niên mở màn:
- Ngày hội thực sự là hoạt động văn hóa hết sức ý nghĩa, cũng là hình thức quảng bá rộng rãi, thiết thực, hiệu quả các di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, giới thiệu những nét tiêu biểu, độc đáo về đất nước giàu đẹp, đầy tiềm năng phát triển, về con người Việt Nam giàu lòng mến khách, hào hiệp, quảng giao, tự tôn và tự trọng, tôn vinh những ngành nghề độc đáo, được vinh danh là di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể quốc gia, thế giới. Cũng dịp này, còn tổ chức tọa đàm “di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống trong hội nhập quốc tế”, giao lưu văn hóa nghệ thuật tôn vinh những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống...
Không bỏ lỡ dịp, bác da ngăm ngăm đế theo đàn anh:
- Bác nói chí phải! Đây cũng là cơ hội giới thiệu lịch sử văn hóa, di sản tiêu biểu, vẻ đẹp vùng đất, đời sống, con người các địa phương; giới thiệu với du khách những giá trị di sản độc đáo, những điểm đến nổi bật. Hơn thế nữa, giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trình diễn trang phục, nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương, thao diễn các ngành nghề truyền thống, giao lưu cùng các nghệ nhân đến từ các bản làng... Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng đối với di sản thiên nhiên, văn hóa và đặc trưng riêng biệt của đồng bào các dân tộc.
Như sợ không được tham gia, anh chàng nhỏ thó nhanh nhảu:
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, nghiêm túc, có quy hoạch, kế hoạch và tầm nhìn dài hạn. Theo đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chuyên môn tổ chức quản lý, khai thác một cách hiệu quả, vừa bảo tồn, tiếp nối, phát huy, vừa bổ sung thêm các giá trị mới, góp phần làm giàu kho tàng di sản, vừa làm tốt công tác sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu, chỉ dẫn đối với bạn bè quốc tế; trao truyền cho thế hệ mai sau bằng cách đa dạng hóa các chương trình giáo dục, trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa. Tuy nhiên, thực tế chúng ta đang đối diện với không ít những hạn chế về vai trò và vị trí của di sản văn hóa, chưa thực sự coi đây là một nguồn lực, có lúc, có nơi di sản văn hóa bị lấn át bởi những nội dung khác.
Trấn an các thành viên, ông trung niên dõng dạc:
- Di sản văn hóa là tài nguyên vô giá, vô tận và là tài sản của cộng đồng. Bởi thế, phải định lượng được giá trị của các di sản chứ không thuần túy kiểm kê, lập hồ sơ, lên danh sách. Bảo tồn, khai thác, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, chứ không riêng ngành văn hóa. Giá trị của di sản phải đem lại lợi ích cho xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trở thành ý thức tự giác của mỗi người chứ không chỉ các cơ quan chức năng. Thường xuyên truyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm; bảo vệ an toàn các di sản văn hóa, nhất là những di sản đã được UNESCO ghi danh. Làm tốt công tác số hóa dữ liệu di sản văn hóa phục vụ quản lý và trao đổi thông tin; ứng dụng và khai thác hiệu quả các trang thiết bị khoa học công nghệ hiện đại trong bảo tồn, trưng bày di tích, di sản... Các chú thấy tôi nói đúng chứ?
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!