Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg vận động và khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện và chọn ngày 7/4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Ngả người trên ghế, ông trung niên nói lớn:
- Mạng sống và sức khỏe của nhiều người đã và đang bị đe dọa bởi các hiểm họa bất ngờ. Các hiểm họa bất ngờ không những làm gia tăng nhu cầu truyền máu mà còn khiến cho hoạt động vận chuyển, phân phối nguồn máu trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Thế nên, hiến máu nhân đạo là hoạt động vô cùng quan trọng và ý nghĩa, luôn được tôn vinh, khuyến khích, cổ vũ trong cộng đồng xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như kiến thức về tính cần thiết của hiến máu tình nguyện, nhằm đáp ứng nhu cầu về máu, bảo đảm đủ lượng máu dự trữ, thông qua khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia hiến máu tình nguyện.
Gần như ngay lập tức, bác da ngăm ngăm tiếp:
- Chính vì thế, trong dịp này, Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh tới cơ sở không chỉ tổ chức mít-tinh, tọa đàm, giao lưu, diễu hành, cổ động, treo băng cờ, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề, quảng bá rộng rãi phong trào hiến máu tình nguyện, mà còn tạo dấu ấn thông qua các sự kiện, như: Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ, Chủ nhật đỏ... thông qua đó, tôn vinh các tổ chức, tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu; tri ân các cá nhân hiến máu thường xuyên, khuyến khích những người trẻ tham gia hiến máu, làm cho phong trào lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân và tạo điều kiện để nhiều người dân tham gia hiến máu thuận lợi nhất. Khắc phục các hạn chế về cơ sở vật chất và trang thiết bị thu gom, sàng lọc, vận chuyển, xử lý máu...
Mau mắn, anh chàng nhỏ thó tham gia:
- Theo em, nhất thiết phải tạo được ngân hàng máu với đầy đủ các trang thiết bị để vừa thu nhận tốt nhất, tối đa lượng máu hiến tặng, vừa bảo quản chu đáo, khoa học, sẵn sàng cứu sống các bệnh nhân cần máu. Bởi không phải lúc nào cần là cũng có ngay máu. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân cần phẫu thuật, bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị và thầy thuốc chuyên môn vững nhưng vẫn không thể mổ vì không có máu hoặc không đủ máu truyền cho bệnh nhân. Chỉ có "ngân hàng” máu sống mới có thể giải quyết tình trạng này, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nguồn máu vô cùng quý giá còn sẵn sàng phục vụ cấp cứu, điều trị, ứng phó với các tình huống khẩn cấp: Khủng bố, dịch bệnh, thảm họa, tai nạn giao thông, bệnh nhân nặng...
Thong thả, ông trung niên nói tiếp:
- Hiến máu cứu người là hành động nhân văn, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, thái độ ứng xử và sự chia sẻ của mỗi người đối với cộng đồng. Hiến máu tình nguyện phải trở thành hoạt động thường niên trong các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, lực lượng vũ trang. Thông qua Ngày hội hiến máu tình nguyện, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thông qua những thông điệp ý nghĩa: “Hiến máu cứu người - nghĩa cử cao đẹp”, “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời, ở lại”, “Hiến máu cứu người - Không thể thờ ơ”, “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”...; đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển đội ngũ những người hiến máu tình nguyện; tuyên truyền, vận động, tự nguyện thành lập CLB hiến máu dự bị, CLB những người có nhóm máu hiếm, CLB vận động hiến máu tình nguyện... Bên cạnh đó, chú trọng chăm sóc sức khỏe, thông báo kết quả xét nghiệm, hướng dẫn, tư vấn bảo vệ sức khỏe, bảo đảm các quyền lợi của người hiến máu tình nguyện; cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, gửi thư cảm ơn, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng... khích lệ, động viên, gia tăng số người tham gia hiến máu tình nguyện, làm cho phong trào hiến máu tình nguyện trở thành nét đẹp truyền thống của mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, công an, quân đội...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!