Đưa trang phục dân tộc Mông đến với bạn bè quốc tế

Đam mê sáng tạo, chị Vừ Thị Phương, dân tộc Mông, ở tiểu khu 5, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, đã quyết tâm khởi nghiệp với nghề may trang phục của dân tộc mình. Các sản phẩm váy áo mẫu mã đa dạng màu sắc, hoa văn của đồng bào Mông được khách hàng không chỉ trong nước, mà còn nhiều khách quốc tế biết, tìm đến đặt mua.

Chị Vừ Thị Phương hướng dẫn công nhân may trang phục Mông cách tân.

 

Tôi đến thăm chị Phương đúng thời điểm chị đang cùng công nhân tất bật hoàn thành đơn hàng váy, áo gửi sang Mỹ. Trong căn nhà và cũng là xưởng may của gia đình, tiếng máy khâu, máy dập li quay đều tạo nên không khí sôi động. Vừa làm, chị vừa kể cho tôi nghe về quá trình khởi nghiệp: Sinh ra và lớn lên tại bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, khi mới 5 tuổi, tôi đã được mẹ dạy khâu vá, thêu thùa. Khi học THCS, tôi đã biết may quần áo cho bản thân để mặc vào dịp lễ, tết. Đến năm 2014, đang công tác tại Trường tiểu học Chiềng Bôm, tôi bắt đầu dùng mạng xã hội facebook đăng tải những hình ảnh của mình mặc những bộ trang phục cách tân do tự tay may. Thấy đẹp, nhiều người bạn quốc tế đặt mua, nên ngoài giờ làm việc, tôi tranh thủ may đồ để bán. Dần dần, những đơn hàng quốc tế ngày một nhiều.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng, giảm giá thành để cạnh tranh, chị mạnh dạn đầu tư máy dập li váy, máy khâu; thuê công nhân may; liên kết với một công ty in ở Hà Nội, thiết kế cải tiến mẫu mã, cách tân bộ trang phục dân tộc Mông theo mẫu mã đa dạng, nhưng cơ bản dựa trên màu sắc, hoa văn của đồng bào Mông. Tùy theo kiểu dáng, sản phẩm có giá thành khác nhau với giá từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng/bộ; chị Phương chủ yếu tận dụng kênh bán hàng qua mạng xã hội để cập nhật hình ảnh về các sản phẩm và mở rộng khách hàng. Có những đơn hàng lớn đặt 700 - 800 bộ váy, các đơn đặt hàng đi nhiều nước, như: Lào, Mỹ, Pháp... Ngoài ra, chị còn bán vải cho những khách có nhu cầu mua về may váy, áo.

Với những mẫu thiết kế hiện đại, đem đến sự mới lạ, độc đáo cho người dùng, hơn 5 năm qua, chị Phương đã tạo ra hàng nghìn bộ trang phục và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng quốc tế, doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chị tạo việc làm thường xuyên cho 7 công nhân với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ tại địa phương.

Cuộc trò chuyện của tôi với chị Phương thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại đặt hàng, chị Phương cười, bảo: Đa số khách đặt hàng ở nước ngoài và nhiều quốc gia khác nhau, nên ban đầu chỉ nhắn tin và tôi phải sử dụng google để dịch và nói chuyện với khách, dần dần tôi cũng tự học và biết một chút tiếng Anh thông dụng để giao tiếp với khách hàng. Niềm vui nhất với tôi, là có nhiều khách hàng quốc tế đã dành những lời khen, niềm yêu thích với bộ trang phục do tôi thiết kế ra và chụp lại những khoảnh khắc khi mặc trang phục Mông đi dự sự kiện, dự tiệc cho tôi xem.

Khởi nghiệp bằng nghề may trang phục dân tộc, hiện gia đình chị Phương đã xây nhà, mua được ô tô. Về dự định tương lai, chị Phương cho biết: Với mục tiêu là thành lập công ty, tôi đang xây thêm 1 xưởng may, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và đưa sản phẩm trang phục Mông cách tân đến với nhiều khách hàng quốc tế hơn nữa.

Với sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ, chị Vừ Thị Phương không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, vừa góp phần quảng bá nét đẹp trong trang phục của dân tộc Mông đến bạn bè quốc tế, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới