Độc đáo Lễ hội Pang A của người La Ha

Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha (Mường La), là nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn cho dân bản và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh, cùng các thầy lang có công bảo vệ dân bản. Lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha.

 

Múa khăn quanh xặng bók.

 

Dân tộc La Ha hiện sinh sống ở 18 bản, thuộc 10 xã của huyện Mường La, với 1.022 hộ. Đây là dân tộc ít người, vẫn lưu giữ Lễ hội Pang A khá độc đáo, với phần lễ và phần hội đan xen đã hình thành từ lâu đời và duy trì đến ngày nay. Ở phần lễ, thầy cúng mời các vị tổ tiên, các vị thần linh về dự lễ, hưởng lộc của các con nuôi (là những người được thầy cúng chữa cho khỏi bệnh) và phù hộ cho người dân luôn khỏe mạnh, ít ốm đau... Ở phần hội, bao gồm các điệu múa gần gũi với cuộc sống hằng ngày, mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh các hoạt động lao động sản xuất, ước nguyện các vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bản làng không xảy ra tai ương dịch họa, dòng tộc phát triển hạnh phúc...

Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 dương lịch hằng năm. Quy mô Lễ hội Pang A tùy thuộc vào từng thầy cúng. Nếu thầy cúng có nhiều năm hành nghề, có số lượng con nuôi đông, quy mô lễ hội lớn, người trong gia đình, trong bản, trong xã hay trong huyện hoặc các nơi khác đều có thể tham gia. Các thầy cúng mới hành nghề, có số lượng con nuôi ít, quy mô nhỏ hơn. Thời gian diễn ra lễ hội từ 1 đến 1,5 ngày, tùy thuộc vào số lượng con nuôi đến làm lễ.

Khi chọn được ngày đẹp, những người trong gia đình sẽ báo các con nuôi, họ hàng ở xa và bà con dân bản đến dự lễ hội. Trong lễ cúng không thiếu cây xặng bók. Cây xặng bók được dựng ở giữa nhà, bao gồm cây tre, chuối và cây mía buộc vào nhau, cao đến nóc nhà. Trên xặng bók được cài trang trí dải hoa vải, hình con ve, quả còn, chim cu, hoa ban, hoa mạ, kiếm, lá chắn, cày, bừa làm bằng gỗ... Lễ cúng có hai nội dung, cúng hồn chủ nhà để hồn vía không bị thất lạc và cúng mời thần linh về dự lễ (đây là lễ cúng chính). Ở phần hội, mọi người múa tăng bu trong âm thanh rộn ràng, sôi động và lần lượt cho các con nuôi vào dâng lễ vật cho thầy cúng. Trong lúc thầy cúng làm lễ, các con nuôi cùng mọi người đến dự quàng khăn múa trên cổ, hai tay cầm hai đầu khăn đi xung quanh cây xặng bók theo nhịp gõ của tăng bu. Lễ hội kết thúc bằng việc dâng mâm lễ tiễn đưa thần linh về trời. Sau bữa cơm chiều, những người tham gia tiếp tục thi uống rượu cần và múa tăng bu cho đến sáng.

Lễ hội Pang A là nét văn hoá đặc trưng của dân tộc La Ha. Đây cũng là dịp để những người dân trong bản, trong xã gặp nhau để dâng lễ vật tỏ lòng cảm tạ người cha nuôi; trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách chữa bệnh. Chính với nét độc đáo đó, năm 2020, Lễ hội Pang A đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Mường La tổ chức phục dựng bảo tồn tại một số bản có người La Ha sinh sống, nhằm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới