Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng, đậm đà bản sắc, thể hiện ở trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng... Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đội văn nghệ bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc Mông.

 

Nằm trong cội nguồn và dòng chảy của văn hóa Việt Nam, Sơn La là vùng đất có văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, nơi hội tụ của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa riêng, hiện đang được giữ gìn, phát triển. Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc và đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngành đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn, nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các ngành và các nhóm địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua kiểm kê, đánh giá, tỉnh Sơn La hiện đang bảo tồn 7 loại hình, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề truyền thống và tri thức dân gian, với 9 dân tộc, gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng. 12 di sản văn hóa tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Chữ viết cổ dân tộc Thái; lễ hội Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); nghệ thuật xòe Thái; lễ cúng dòng họ dân tộc Mông, lễ Pang A của dân tộc La Ha; nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mộc Châu; nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền; nghi lễ gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông huyện Mộc Châu; nghi lễ Mạng Ma (cầu sức khỏe) của người Xinh Mun, xã Chiềng On, huyện Yên Châu; lễ Kin Pang Then của người Thái trắng.

Bảo tồn, phát huy giá trị các điệu xòe, nhạc xòe phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La. Đồng thời, phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 15/12/2021, UNESCO đã ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuyên truyền, phổ cập tác phẩm múa “Vũ điệu kết đoàn” do đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác đến với nhân dân trong tỉnh, khu vực Tây Bắc và toàn quốc.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh xét chọn các nghệ nhân trình Chính phủ, Chủ tịch nước công nhận các nghệ nhân ưu tú. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức cho các nghệ nhân, đội văn nghệ tham gia trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, lễ nghi của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam và tham dự các liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực, toàn quốc.

Bên cạnh đó, để duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tổ, tiểu khu, ngoài kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, các đội văn nghệ đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp để duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh phát triển mạnh, là môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế du lịch được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng bền vững. Huyện đã hỗ trợ kinh phí để phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc, như lễ hội Hết Chá, xã Đông Sang; lễ hội Cầu mưa, xã Mường Sang... Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước, tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch.

Với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa tốt đẹp, tích cực tham gia gìn giữ và phát triển để di sản văn hóa dân tộc sống mãi với thời gian.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới