Xây dựng, phát triển vùng sản xuất có quy mô lớn, áp dụng quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, gắn với tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, cấp giấy chứng nhận VietGAP, mã số vùng trồng, văn bằng bảo hộ, nhằm tạo dựng và duy trì thương hiệu nông sản Sơn La tại thị trường trong nước và quốc tế. Đó là cách làm của Sơn La trong những năm vừa qua, gắn quy hoạch sản xuất với áp dụng công nghệ hiện đại, phù hợp và các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu.
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 184 triệu USD; trong đó, sản phẩm nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 171,8 triệu USD, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, nhất là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới.
Để đạt được mục tiêu đó, các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ quản lý, giám sát đối với các diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng. Hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp và HTX áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; tiếp tục cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường quản lý, giám sát việc buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; hướng dẫn thẩm định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chủ động nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số. Tập trung phát triển vùng sản xuất nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tập trung hỗ trợ phát triển thương mại điện tử của tỉnh đối với các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tích cực tham gia kết nối cung cầu để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản tại thị trường trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ sản xuất phù hợp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục thu hút, khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến đầu tư nhà máy chế biến nông sản vào địa bàn tỉnh. Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ hữu cơ trong sản xuất, chế biến. Lựa chọn nhân giống, sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh đối với cây trồng vật nuôi. Xây dựng và duy trì các điểm bán trưng bày, nhận diện thương hiệu sản phẩm của tỉnh tại các tỉnh, thành phố hoặc tại nước ngoài. Xây dựng, quản lý nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc gắn với đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm bảo đảm trong quá trình xuất khẩu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!