Câu hỏi tình huống: Vạch xương cá là gì? Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì lỗi đè vạch xương cá bị xử phạt như thế nào?
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La xin được tư vấn, hướng dẫn như sau:
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ; Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.
1. Vạch xương cá là gì?
Trong các quy định pháp luật hiện nay thì không có vạch kẻ đường nào được gọi là vạch xương cá. Tuy nhiên, trong thực tế, thuật ngữ vạch xương cá thường được dùng để chỉ loại vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.
Theo đó, quy cách của vạch xương cá được quy định như sau:
- Vạch xương cá bao gồm các vạch liền nét, màu trắng được vẽ song song, mỗi vạch rộng 45 cm, khoảng cách hai mép vạch 100 cm, vạch nghiêng một góc 135 độ theo chiều ngược chiều kim đồng hồ so với hướng chuyển động của xe.
- Vạch xác định phạm vi kẻ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V là vạch đơn liền nét, màu trắng. Vạch này có bề rộng nét vẽ là 20 cm.
Ý nghĩa sử dụng của vạch xương cá:
- Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (thường được gọi là vạch xương cá) được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường.
- Khi vạch xương cá được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Vạch xương cá thường được sử dụng để kênh hóa các dòng xe như dẫn hướng xe ở trạm thu phí, kênh hóa các dòng xe trong phạm vi các nút giao cùng mức ở ngã ba, ngã tư phức tạp.
2. Lỗi đè vạch xương cá bị xử phạt thế nào?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
(Khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008)
Như đã đề cập ở trên, vạch xương cá là vạch kẻ đường được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường.
Như vậy, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đè lên vạch xương cá được xem là hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường như sau:
Phương tiện |
Mức phạt tiền |
Phạt bổ sung |
Ô tô |
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (Điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
Xe máy |
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) |
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (Điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (Điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
Xe đạp |
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. (Điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
Trên đây là nội dung tư vấn, hướng dẫn của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, mọi thắc xin vui lòng liên hệ đường dây nóng (0212) 3855959 & (0212) 3856204.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!