Nước sạch vì cuộc sống cộng đồng

Những năm qua, từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các tổ chức phi chính phủ, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Các em học sinh Trường Tiểu học xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn

được sử dụng nước uống hợp vệ sinh từ ki ốt cấp nước.

Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Để đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần khoảng 120 lít nước/ngày. Nếu sử dụng nước không hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Ngoài ra, việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên nước tốt sẽ đóng góp đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo. Khi nguồn nước được cải thiện và dễ tiếp cận, mọi người chỉ cần tốn ít thời gian và công sức trong việc lấy nước. Nguồn nước tốt hơn giúp người dân ít ốm đau, cũng có nghĩa là ít phải chi tiêu về y tế và có sức khỏe tốt hơn để lao động sản xuất. Đặc biệt, đối với trẻ em, việc được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn để học tập.

Tài nguyên nước bề mặt của tỉnh ta tương đối dồi dào, nhưng không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều có nguy cơ bị ô nhiễm, kể cả nước ngầm nhiều nơi cũng đang ô nhiễm và cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân, như: Không khí ô nhiễm, sử dụng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa không đảm bảo an toàn vệ sinh. Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp… Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.

Để phục vụ nhu cầu dùng nước sinh hoạt của người dân, nhất là vùng nông thôn, khó khăn. Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn quản lý, vận hành, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho Ban quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt ở các xã, bản, gắn với việc tham quan các mô hình quản lý công trình cấp nước của Trung tâm. Nhờ vậy, đội ngũ quản lý, vận hành các công trình cấp nước đã được nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật vận hành máy an toàn, hiệu quả, nhất là việc phát hiện, sửa chữa những hư hỏng, nhanh chóng đưa công trình hoạt động trở lại bình thường, cung cấp nước sạch liên tục cho người dân sử dụng.

Ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.600 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sinh hoạt cho trên 820.000 người, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Để tăng số người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh qua các năm, Trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư nông thôn trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, cũng như bảo vệ môi trường. Đồng thời, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch để nâng cao chất lượng nước; chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành tại các trạm cấp nước.

Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% đạt QC-02/BYT, tỉnh ta đã đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước trong xây dựng các công trình cấp nước cho người dân, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thiếu nước sạch. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng và tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo phát huy hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, UNICEF, JICA... Cùng với đó, lựa chọn các hình thức công nghệ lọc, cấp nước phù hợp với từng vùng, nghiên cứu, áp dụng những hình thức khai thác, quản lý công trình sau đầu tư, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới