Nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đạt 20 tỷ USD

Mặc dù tình hình khu vực và quốc tế biến động phức tạp, Việt Nam và Ấn Độ vẫn giữ vững quan hệ hợp tác bền chặt và ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, qua đó tích cực thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Giới thiệu hoa quả xuất khẩu của Việt Nam với khách Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)
Giới thiệu hoa quả xuất khẩu của Việt Nam với khách Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)

Thương mại - trụ cột quan trọng của quan hệ song phương

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2024 đánh dấu 52 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2024) và 8 năm nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện.

Trong nhiều năm qua, thương mại luôn được đánh giá là trụ cột vững chắc trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ. Kể từ khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ kinh tế thương mại, kim ngạch thương mại song phương đã liên tục tăng trưởng ổn định.

Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Ấn Độ được xem là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Nam Á. Ngược lại, Việt Nam cũng đóng vai trò là cầu nối quan trọng giúp hàng hóa Ấn Độ thâm nhập vào khu vực ASEAN và các đối tác khác của Việt Nam. Nhờ đó, hai nước đã nỗ lực không ngừng để đưa kim ngạch thương mại song phương hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 14,36 tỷ USD. Tuy có giảm 4,68% so với năm 2022 do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu sang Ấn Độ, đạt 8,50 tỷ USD, tăng 6,74% so với năm trước. Đây là con số xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang Ấn Độ trong 10 năm qua.

Nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đạt 20 tỷ USD ảnh 1

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2019-2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 6,26 tỷ USD, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là: Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 20,82%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 17,21%); và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm 9,52%).

Nhìn lại giai đoạn từ năm 2013 đến 2023, có thể thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh mẽ bất chấp nhiều biến động. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng trưởng trung bình 17,62% mỗi năm trong thập kỷ qua.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ đạt 2,35 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, con số này đã tăng vọt lên 8,50 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 260,97%. Đây là một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai quốc gia.

Nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đạt 20 tỷ USD ảnh 2

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ giai đoạn 2013-2023. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm máy tính, điện thoại, máy móc, thiết bị, thép, hóa chất, giày dép, cao su, sản phẩm gỗ, và hàng dệt may.

Về phía Ấn Độ, quốc gia này là nhà cung cấp chính các nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam, bao gồm dệt may, da giày, dược phẩm, linh kiện, phụ tùng, khoáng sản và thức ăn chăn nuôi.

Nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác

Nền kinh tế của Việt Nam và Ấn Độ đều có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và ổn định trong những năm gần đây. Cả hai nước đều đã có nhiều nỗ lực lớn để phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, cơ cấu ngành hàng của hai quốc gia bổ sung lẫn nhau, tạo ra lợi thế đặc biệt giúp tăng cường hợp tác thương mại.

Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa hai nước hết sức thuận lợi với các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau.

Một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn để thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ là nông, thủy sản. Các sản phẩm như trái cây tươi, hoa quả chế biến, chè, cà-phê, gia vị và cá tra, ba sa của Việt Nam đều được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng.

Nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đạt 20 tỷ USD ảnh 3

Các đại biểu cắt băng khai trương gian hàng hoa quả và thực phẩm chế biến của Việt Nam tại Hội chợ Thực phẩm thế giới ở Ấn Độ (WFI 2024) lần thứ 3, thủ đô New Delhi, ngày 19/9/2024. (Ảnh: TTXVN)

Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, đồng thời phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân Ấn Độ. Việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm này không chỉ góp phần tăng kim ngạch thương mại song phương, mà còn giúp đa dạng hóa thị trường cho nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh hợp tác trong các ngành công nghiệp như điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin, luyện kim, vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến thực phẩm và dược phẩm. Đây là những ngành mà Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh, trong khi Việt Nam có nhu cầu hợp tác để phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Không chỉ thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng ghi nhận nhiều tiến bộ quan trọng. Tính đến tháng 8/2024, Ấn Độ có 419 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký hơn 1,03 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

>>> Xem thêm: Tri thức chuyên sâu Việt Nam-Ấn Độ

Trong những năm gần đây, các đoàn doanh nghiệp, tổ chức hai nước đã thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại lớn, qua đó tạo điều kiện cho việc tìm kiếm đối tác và mở rộng hợp tác kinh doanh. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, việc Việt Nam và Ấn Độ nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại là một bước tiến quan trọng giúp tăng cường quan hệ song phương. Cả hai quốc gia đều có tiềm năng lớn và sẵn sàng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư đến khoa học công nghệ.

Với sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ, mục tiêu kim ngạch thương mại 20 tỷ USD trong tương lai gần hoàn toàn khả thi, góp phần củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Tập trung thu ngân sách những tháng cuối năm

    Tập trung thu ngân sách những tháng cuối năm

    Kinh tế -
    Năm 2024, huyện Mường La được HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn 135 tỷ đồng; trong đó, thu tiền sử dụng đất 10 tỷ đồng và thu thuế, phí, lệ phí 125 tỷ đồng. HĐND huyện giao dự toán thu 141,75 tỷ đồng; trong đó, thu tiền sử dụng đất 10 tỷ đồng và thu thuế, phí, lệ phí 131,75 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Chi cục thuế khu vực Thành phố - Mường La đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phấn đấu hoàn thành dự toán được giao.
  • 'Thuận Châu vào vụ thu hoạch cà phê

    Thuận Châu vào vụ thu hoạch cà phê

    Kinh tế -
    Từ nhiều năm qua, cây cà phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Thuận Châu. Thời điểm này, về các xã trọng điểm trồng cà phê của huyện như: Bản Lầm, Chiềng Bôm, Muổi Nọi, Tông Lạnh.., chúng tôi chia vui cùng bà con, vì giá cà phê năm nay cao hơn so với mọi năm.
  • 'Phù Yên phát triển lâm nghiệp bền vững

    Phù Yên phát triển lâm nghiệp bền vững

    Xã hội -
    những năm gần đây, công tác theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp, quản lý đầu tư, triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Phù Yên được chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, tỷ lệ che phủ, chất lượng rừng từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
  • 'Chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số

    Chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số

    Xã hội -
    Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Mai Sơn đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
  • 'Đảm bảo hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

    Đảm bảo hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Công tác hậu cần, kỹ thuật có vai trò, vị trí quan trọng trong nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Vì vậy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Châu luôn quan tâm, thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm đầy đủ, kịp thời về cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
  • 'Chú trọng kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh

    Chú trọng kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh

    Xây dựng Đảng -
    Đảng bộ huyện Sông Mã có 63 chi bộ, đảng bộ cơ sở và 452 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với trên 8.400 đảng viên. Những năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp huyện Sông Mã đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.