Vườn cây thuốc nam ở Tân Hợp

Trong chuyến công tác lần này, đến thăm Trạm Y tế xã Tân Hợp (Mộc Châu) chúng tôi ấn tượng với vườn cây thuốc nam của đơn vị, với nhiều loại cây được trồng khoa học, có gắn tên cây dễ nhìn, dễ nhớ. Đây là vườn cây thuốc nam mẫu để bà con trong xã biết công dụng của từng loại cây thuốc chữa các bệnh thông thường.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Hợp (Mộc Châu) chăm sóc vườn thuốc nam.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Xuân Thạch, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hợp cho biết: Người dân xã Tân Hợp vốn lưu truyền nhiều bài thuốc nam quý và thường trồng rải rác trong vườn của gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của y học hiện đại, vườn thuốc của các gia đình bị thu hẹp do người dân không quan tâm đến việc trồng các loại cây thuốc tại nhà, mà cải tạo trồng rau, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Để gìn giữ, phát triển các cây thuốc nam, các bài thuốc cổ truyền, Trạm  Y tế xã đã chú trọng xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu. Phân công nhân viên y tế về các bản vùng lân cận sưu tầm các loại cây thuốc về trồng ở vườn thuốc nam mẫu, gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng chữa các bệnh thông thường. Vườn cây thuốc nam của Trạm hiện có trên 40 loại cây, thuộc 9 nhóm cây thuốc, được nhân viên y tế xã phân loại và trồng theo từng nhóm. Mỗi nhóm có bảng ghi rõ tên và công dụng chữa các bệnh thường gặp để người dân biết. Đó là các loại cây: Chanh, sả, tía tô, hương nhu, ngải cứu, gừng, hẹ, ổi...

Ông Mùi Văn Thơm, y sỹ phụ trách công tác khám, chữa bệnh của Trạm Y tế xã Tân Hợp nói: So với việc chữa các bệnh thông thường bằng thuốc tây thì chữa bệnh bằng các bài thuốc nam có nhiều ưu điểm như: Dễ trồng, chữa bệnh an toàn, ít gây tác dụng phụ, tránh được hiện tượng nhờn thuốc. Hiệu quả chữa bệnh của cây thuốc nam cũng cao nếu biết sử dụng đúng cách, giá thành lại rẻ hơn dùng thuốc tây, phù hợp với thu nhập của người dân  địa phương. Bên cạnh đó, vườn thuốc nam còn tạo cảnh quan, tăng khoảng không gian xanh cho cơ sở khám chữa bệnh.

Để tìm hiểu thực tế việc khám chữa bệnh bằng cây thuốc nam ở xã, chúng tôi đến bản Nà Mường (Tân Hợp) gặp bà Mùi Thị Chia, bà cho biết: Được cán bộ Trạm Y tế xã hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam và hiểu rõ hiệu quả chữa bệnh của cây thuốc nam, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, tôi đã trồng một số loại cây ở vườn nhà. Tôi còn thường xuyên tìm hiểu và vận động bà con trong bản cùng trồng và sử dụng các loại cây thuốc nam để chữa các bệnh thông thường.

Còn ông Mùi Văn Tiến, bản Nà Sánh (Tân Hợp) - người thường xuyên sưu tầm và sử dụng các loại cây thuốc nam tâm sự: Khi thời tiết thay đổi, tôi thường bị đau lưng. Khi đến khám ở Trạm Y tế xã tôi được giới thiệu cây ngải cứu, cây đinh lăng có thể chữa được đau lưng bằng cách: Rửa sạch cây ngải cứu, giã nát rồi trộn với dấm gạo đã được đun nóng sau đó xoa dọc sống lưng. Còn cây đinh lăng, lấy thân hoặc cành sắc nước uống. Sau khi dùng thử, thấy đỡ nhiều, lưng không còn đau như trước. Thấy thuốc nam có hiệu quả, tôi đã xin giống một số loại cây thuốc nam về trồng ở vườn nhà để có thể tự chữa những bệnh thông thường.

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thời gian tới, Trạm Y tế xã Tân Hợp tiếp tục kết hợp đông - tây y trong điều trị cho bệnh nhân; duy trì và phát triển vườn cây thuốc nam mẫu để hướng dẫn bà con sử dụng. Bảo đảm tốt tiêu chí vườn cây thuốc nam mẫu trong xây dựng xã chuẩn Quốc gia về y tế và hướng dẫn người dân sử dụng chữa bệnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ nguồn dược liệu cũng như những bài thuốc cổ truyền của dân tộc.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới