Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 10/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với các dự thảo luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đề nghị tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và Điều 2 về đối tượng áp dụng, cần sửa đổi cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” thành “hệ thống quy hoạch”. Lý do của đề xuất này xuất phát từ việc trong Tờ trình số 201 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Tờ trình số 305 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đều đã nêu rõ định hướng sửa đổi theo hướng bỏ cụm từ “quốc gia”. Đặc biệt, bảng so sánh giữa Luật hiện hành và dự thảo sửa đổi đã thể hiện rõ ràng sự điều chỉnh này. Tuy nhiên, nội dung lại chưa được chính thức đưa vào trong phần Dự thảo luật, dẫn đến thiếu thống nhất giữa tờ trình và văn bản dự thảo. Bởi vậy, cần bổ sung đầy đủ nội dung tại Điều 1 và Điều 2 để đảm bảo sự minh bạch, đồng bộ giữa các văn bản và đúng với tinh thần sửa đổi đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội.

Đại biểu Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch với 2 nội dung quan trọng.
Bỏ cấp huyện trong quy hoạch: Trước đây, cấp huyện đóng vai trò trung gian quan trọng trong tổ chức thực hiện và điều phối quy hoạch. Việc bỏ cấp huyện trong hệ thống quy hoạch sẽ khiến cấp xã gặp khó khăn trong cụ thể hóa các chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch ngành. Đại biểu kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp xã khi không tổ chức cấp huyện, đồng thời rà soát các luật, chính sách liên quan để đảm bảo đồng bộ.
Cần rõ tiêu chí “đặc thù” và thẩm quyền quy định: Khái niệm “đặc thù” và “khu vực khó khăn” cần định nghĩa cụ thể để làm cơ sở ưu tiên chính sách. Việc lược bỏ nhiều nội dung trong quy hoạch tổng thể (như khoa học, công nghệ, du lịch…) cũng chưa được giải trình rõ. Đại biểu đề nghị làm rõ thẩm quyền Quốc hội – Chính phủ trong quy định chi tiết, đồng thời bổ sung định hướng phát triển khoa học công nghệ và sớm ban hành dự thảo nghị định để đại biểu góp ý kịp thời.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đề nghị hoàn thiện một số nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, như: Sửa cụm từ "Bộ quản lý chuyên ngành" thành "Cơ quan quản lý chuyên ngành ở cấp trung ương" để thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ. Đồng thời, cần bổ sung, chỉnh sửa Khoản 3 Điều 5 theo hướng nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường biện pháp kiểm soát ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên; khuyến khích ngành tiêu hao thấp, giá trị cao.
Đối với Khoản 6, nhất trí bổ sung chỉ tiêu bắt buộc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đồng thời giao Bộ Công Thương xây dựng bộ chỉ số đánh giá cấp tỉnh, cấp ngành để đảm bảo khả thi. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định về lộ trình loại bỏ máy móc, thiết bị không đạt chuẩn năng lượng, phân biệt rõ giữa sản xuất, nhập khẩu, và sử dụng dân dụng. Cuối cùng, cần bổ sung định hướng đổi mới cơ cấu nguồn năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, thủy triều... vì đây là giải pháp nền tảng cho mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!