Những năm qua, Chi cục Dân số tỉnh đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ ba; chú trọng công tác tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Ông Đinh Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh, cho biết: Đơn vị đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế xây dựng các kế hoạch công tác dân số trong tình hình mới; thực hiện các hoạt động chuyên môn về dân số và phát triển trên địa bàn. Triển khai hiệu quả hoạt động của nội dung 2, Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Qua đó, nâng cao nhận thức và hiểu biết trong nhân dân, góp phần làm thay đổi hành vi dân số.
Toàn tỉnh có 12 phòng truyền thông dân số trực thuộc trung tâm y tế huyện, thành phố; 204 cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn và gần 2.500 cộng tác viên dân số tổ, bản, tiểu khu. Chi cục luôn chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, kỹ năng về truyền thông, giáo dục sức khỏe. Riêng năm 2024, đơn vị đã tổ chức 41 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn, kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai phi lâm sàng, điều chỉnh mức sinh, vận động cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn, Chị Mùi Thị Chúc, cộng tác viên dân số bản Suối Giăng 2, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu đã trau dồi thêm kinh nghiệm giúp việc tuyên truyền, vận động nhân dân có tính thuyết phục. Chị Chúc chia sẻ: Tôi tuyên truyền tới các hộ gia đình quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tư vấn cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ khám sàng lọc sức khỏe. Khi tư vấn các biện pháp tránh thai, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tôi đọc và nhớ công dụng, cách dùng... để hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của bà con trước khi sử dụng.
Công tác truyền thông dân số được chú trọng triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp; lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, của các bản, tiểu khu, tổ dân phố; tư vấn trực tiếp của cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số các tổ, bản, tiểu khu; truyền thông kỹ thuật số trên internet và mạng xã hội (YouTube, Zalo, Tiktok)... Trong năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 3.000 buổi truyền thông, cung cấp thông tin, truyền thông lồng ghép về các nội dung dân số cho hơn 100.000 lượt người. Căng treo 33 cụm pano cố định, 200 băng zôn; phát hơn 4.500 tờ rơi; 100 cuốn sách về truyền thông dân số. Duy trì trì sinh hoạt câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại 34 trường THPT.
Bà Lại Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Dân số - Truyền thông và Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Sông Mã, cho biết: Hằng năm, Trung tâm phối hợp với các đơn vị, các tổ chức đoàn thể, triển khai hoạt động về dân số và phát triển. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động sinh ít con ở vùng có mức sinh cao; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, từng bước giúp nhân dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi dân số.
Cùng với đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản -KHHGĐ được đẩy mạnh. Năm 2024, có 88 xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Có hơn 6.200 người được khám thai và siêu âm sàng lọc trước sinh; hơn 690 trẻ em sinh ra được khám sàng lọc sơ sinh; 72% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại; 56 đối tượng là phụ nữ thuộc hộ nghèo người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ kinh phí, với tổng số tiền là 112 triệu đồng.
Đối với người cao tuổi, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cũng được các cơ sở, đơn vị y tế chú trọng như: Quản lý người cao tuổi bị cao huyết áp, đái tháo đường; cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và thành viên hộ gia đình; phối hợp với hội người cao tuổi các cấp tổ chức hoạt động khám, sàng lọc và tư vấn sức khỏe cho các hội viên… Năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe đạt 28%, tăng 5% so với cùng kỳ.
Ông Đinh Anh Tuấn cho biết thêm: Năm 2025, Chi cục tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác dân số trong tình hình mới. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thống nhất hành động đưa công tác dân số là một nội dung trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng, gắn với cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là tại các xã vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới...
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, mỗi người dân, gia đình cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc thực hiện các quy định về Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số... Từ đó, nâng cao chất lượng dân số, góp phần chung tay xây dựng một xã hội phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!