Khắc phục thiếu vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng

Những năm qua, Bộ Y tế đã triển khai vắc xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em và phụ nữ mang thai trên cả nước, gồm: Vắc xin phòng bệnh viêm gan B, lao cho trẻ sơ sinh, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi cho trẻ dưới 1 tuổi và vắc xin rubella, viêm não Nhật Bản cho trẻ 12-24 tháng tuổi. Đáng chú ý, trong quý IV/2023, vắc xin Rota (phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota gây nên) sẽ là vắc xin thứ 11 được triển khai trong Chương trình TCMR của Việt Nam.

Từ năm 1985, Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh ta. Qua quá trình triển khai cho thấy, TCMR là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra đối với trẻ em. Khi trẻ được tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch sẽ sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh; trẻ sẽ khỏe mạnh, không bị tử vong, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường, giảm chi phí điều trị bệnh tật nếu mắc phải. Tuy nhiên, để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; không tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tiêm phòng vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai. 
Ảnh: Huyền Trăng

 

Trong 3 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc triển khai một số chương trình y tế tại địa phương, nhưng ngành Y tế đã nỗ lực bảo đảm chương trình TCMR, với hàng chục nghìn trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó, năm 2020, có 22.312 trẻ được tiêm chủng đầy đủ (đạt trên 95%); hơn 18.090 phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván (đạt 75,6%). Năm 2021, bùng phát dịch Covid-19, hệ thống TCMR trên địa bàn tỉnh ngoài triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, vẫn đảm bảo công tác TCMR; trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt 97,7%, phụ nữ mang thai tiêm phòng uốn ván đạt 75,9%. Tuy nhiên, năm 2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng kết quả TCMR  không  đạt chỉ tiêu; trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt 88,1%, phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván đạt 69,6%.

Nguyên nhân là do thiếu một số loại vắc xin trong Chương trình TCMR; do tâm lý lo ngại về các phản ứng phụ có thể gặp của nhân dân. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vắc xin đã bị ảnh hưởng, dẫn đến gián đoạn cung ứng và thiếu 1 số loại vắc xin trong Chương trình TCMR trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Vắc xin trong Chương trình TCMR từ trước tới nay do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cung cấp định kỳ với số lượng căn cứ đăng ký nhu cầu tiêm chủng của mỗi địa phương. Song do một số vướng mắc trong nguồn cung ứng vắc xin, nên Sơn La cũng như nhiều địa phương khác đang đứng trước nguy cơ hết vắc xin TCMR. Việc thiếu vắc xin dẫn đến rất nhiều hệ lụy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là hiện hữu, nhất là đối với trẻ em.

Từ đầu năm 2023, tỉnh ta chưa được cung ứng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib và vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván từ Trung ương. Ngoài ra, các loại vắc xin khác như vắc xin phòng bệnh sởi-Rubella,  vắc xin phòng bệnh bại liệt dạng uống..., tuy được cung ứng, nhưng số lượng hạn chế. Các loại vắc xin khác số lượng còn ít, dự kiến trong một, hai tháng tới sẽ hết vắc xin nếu không được cung cấp thêm.

Do thiếu vắc xin, nên 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ TCMR đạt thấp. Toàn tỉnh có 6.394/19.482 trẻ em được tiêm các mũi vắc xin cơ bản của Chương trình TCMR, đạt 32,8% (trong đó có cả các đối tượng gia đình cho trẻ đi tiêm chủng dịch vụ; 5.833/19.473 phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván, đạt 30%.

Trước tình trạng thiếu vắc xin cục bộ, Sở Y tế đã báo cáo gửi Bộ Y tế để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, kịp thời cung ứng đầy đủ các loại vắc xin phục vụ Chương trình TCMR trong các tháng còn lại của năm 2023 và gối đầu năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch và dự kiến nhu cầu vắc xin tại các địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu vắc xin cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vắc xin Chương trình TCMR từ nguồn ngân sách địa phương đối với 10 loại vắc xin: Bạch hầu, ho gà, uốn ván; uốn ván hấp phụ; phòng lao đông khô; vắc xin uốn ván, bạch hầu hấp phụ; viêm não Nhật Bản; viêm gan B; sởi; sởi-Rubella; bại liệt. Đồng thời, giao cho Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vắc xin gửi Bộ Tài chính. Các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước. Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng. Còn các loại vắc xin nhập khẩu, sử dụng nguồn viện trợ hoặc đấu thầu tập trung theo quy định hiện hành.

Nguyễn Thị San (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.
  • 'Tuổi trẻ Bắc Yên học và làm theo Bác

    Tuổi trẻ Bắc Yên học và làm theo Bác

    Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuổi trẻ Bắc Yên đã triển khai nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, tạo không khí thi đua sôi nổi; phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.