Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em

Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là trẻ ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Hướng dẫn nhân dân xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.

Anh Lò Văn Tuyến phụ trách chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp, cho biết: Khi bị suy dinh dưỡng, trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng, nên thường mắc bệnh nhiễm khuẩn, như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, giảm khả năng tập trung trong học tập... Muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, với nhiều bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, rau xanh, củ quả, tự theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ định kỳ hằng tháng.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có trên 5.250 trẻ dưới 5 tuổi; trong đó có 15,3% trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi và 27,7% trẻ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi. Nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, huyện đã giao cho Trung tâm Y tế, Huyện đoàn, các phòng, ban liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại các bản, xã, trường mầm non; cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý; thực hành trình diễn chế biến thức ăn cho trẻ, đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng. Hướng dẫn phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ; cách chăm sóc, nuôi dưỡng, nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế còn tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu; trạm y tế  các xã quản lý, theo dõi, cân đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi tại địa phương. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đang được thụ hưởng Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nhờ vậy, năm 2022, có trên 90% số phụ nữ mang thai được quản lý, khám và tư vấn sản khoa, theo dõi sức khỏe sau sinh; hơn 99,2% số trẻ từ 6-60 tháng tuổi được uống vitamin A; 95% số trẻ từ 2 - 4 tuổi được tẩy giun định kỳ; hơn 90% số trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng hằng tháng; trên 90% số bà mẹ có con dưới 2 tuổi biết cách chế biến bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Sam Kha là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện, với 612 hộ, 92% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Bác sỹ Sồng Bả Vự, Trạm trưởng Trạm Y tế, cho biết: Xã có 524 trẻ dưới 5 tuổi, trong các đợt tiêm chủng tại Trạm, cán bộ y tế đã lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách chế biến những bữa ăn đủ dinh dưỡng. Mỗi tháng một lần, các nhân viên y tế về các bản tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ phương pháp chăm sóc sức khỏe trẻ em, cho trẻ ăn uống đủ chất bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương; kết hợp đo cân nặng, chiều cao và thực hành dinh dưỡng cho trẻ. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi trên địa bàn xã hiện nay là 18,9%, giảm 1,2 % so với năm 2017.

Chị Mùa Thị Lia, bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp, chia sẻ: Được cán bộ y tế xã hướng dẫn, tôi đã biết cách nấu bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, giúp con phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, chú ý hơn việc đưa con đi tiêm chủng, uống vitamin A định kỳ tại Trạm Y tế xã.

Tiếp tục nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y tế bản ở các xã vùng sâu, vùng xa; tăng khả năng tiếp cận của nhân dân với các dịch vụ y tế cho trẻ em... huyện Sốp Cộp phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 1 đến 1,2%/năm; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi xuống còn dưới 13% vào năm 2025.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới