Trường THPT Sông Mã - 60 năm "gieo chữ, trồng người"

Chặng đường 60 năm (19/12/1964 -19/12/2024) xây dựng và phát triển, Trường THPT Sông Mã, huyện Sông Mã, luôn tự hào với bề dày thành tích đã đạt được trong sự nghiệp “Gieo chữ, trồng người”.

Giọng nữ

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1954 đến 1964, các xã trên địa bàn huyện Sông Mã mới có các trường cấp I và cấp II. Do nhu cầu cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực là con em các dân tộc trong huyện, ngày 19/12/1964 Trường cấp II-III Sông Mã được thành lập, đứng chân tại bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu. 

Trường Trung học phổ thông Sông Mã. Ảnh: Hoàng Tuấn (Sông Mã) 

Thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, các thầy, cô giáo không quản ngại khó khăn vượt hàng chục kilomet đi vận động thuyết phục học sinh về trường học. Ngày mới thành lập, trường chỉ có 1 lớp 8, với 8 học sinh và 4 thầy, cô giáo. Do ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh, cuối năm học 1967-1968, trường chuyển địa điểm về khu vực HTX Tây Hồ, xã Nà Nghịu.

Mùa hè 1968, học sinh khóa I của trường thi tốt nghiệp và đỗ 100%. Đến năm 1970, do đủ điều kiện về học sinh, giáo viên, nên Trường cấp III Sông Mã được tách riêng độc lập. Năm 1973, trường di chuyển về khu vực ruộng Ít Nghe - bản Địa (nay tổ dân phố 2, thị trấn Sông Mã). Năm sau, Ty Giáo dục Sơn La (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) quyết định lấy tên trường là Trường phổ thông cấp III Sông Mã. Đến năm 1993, đổi tên thành Trường THPT Sông Mã.

Những ngày đầu thành lập, lớp học tranh tre vách đất, người dân góp từng sợi giang, tầu cọ, góp sức làm lán lớp học cho con em. Đời sống cán bộ, giáo viên thiếu thốn đủ đường; bữa ăn ít cơm, nhiều sắn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được đầu tư xây dựng khang trang. Hiện nay, trường có 32 lớp học, 1.579 học sinh và 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên. 100% số cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó, 1 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, 60 đại học. Nhà trường phát triển xứng tầm với vị thế của một đơn vị giáo dục hàng đầu của huyện.

Một giờ học của cô và trò Trường THPT Sông Mã.

Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, đội ngũ giáo viên luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các thầy, cô giáo thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng, tăng các giờ học thực hành, trải nghiệm sáng tạo, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tối đa năng lực học sinh. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động nâng cao chất lượng chuyên môn, hướng giáo viên và học sinh nâng cao chất lượng. Nổi bật là các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Trường học xanh, sạch, đẹp, văn minh, an toàn, không khói thuốc lá”; “Cán bộ, nhà giáo, đoàn viên công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo chung tay giúp đỡ học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”…

Đổi mới phương pháp dạy học, các tổ chuyên môn họp bàn đưa ra những giải pháp cụ thể. Cán bộ, giáo viên trao đổi kinh nghiệm về hoạt động giảng dạy; tích cực sử dụng các phần mềm, tạo bài giảng sinh động, hấp dẫn thu hút học sinh. Cô giáo Đỗ Thị Hoài, Tổ chuyên - Văn phòng, nói: Là giáo viên dạy tiếng Anh, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tôi còn tích cực tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng việc sử dụng và khai thác giáo trình. Qua đó, giúp tôi cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng giao tiếp, chú trọng phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh; thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, thuyết trình bằng tiếng Anh, giúp các em tự tin trong việc học ngoại ngữ.  

Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên. Đến nay, trường đã đào tạo trên 12.000 học sinh tốt nghiệp THPT. 10 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chiếm 17,78%; có 118 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; 71 học sinh đạt giải phong trào. Nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ được nhà trường, các thầy, cô giáo quan tâm, giúp đỡ. Nhiều học sinh đã trở thành nhà khoa học, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà lãnh đạo quản lý, nhà kinh tế giỏi, đang đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Cô và trò Trường THPT trao đổi bài học.

Với kết quả đạt được, nhà trường đã được tặng 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 35 bằng khen của UBND tỉnh. 29 năm liền trường được công nhận là tập thể Lao động tiên tiến; 9 năm được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 1 bằng khen; Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch tặng 5 bằng khen; Công đoàn ngành Giáo dục tặng 15 bằng khen; Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng 2 bằng khen của; 65 lượt cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen...

Phát huy truyền thống, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Sông Mã tiếp tục đoàn kết, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, phấn đấu trở thành trường có chất lượng trọng điểm của tỉnh, xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).
  • 'Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Huyện Quỳnh Nhai -
    Ngày 23/11, Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam VietComBank phối hợp với UBND huyện Quỳnh Nhai và xã Mường Giôn tổ chức khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình điểm trường bản Huổi Ngà, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lả Giôn, xã Mường Giôn.  
  • 'Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Kinh tế -
    Thay đổi căn bản nhận thức của nông dân, áp dụng cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi; thành lập các nhóm sở thích, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đó là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" tại tỉnh Sơn La.
  • 'Quê hương tựa khúc dân ca

    Quê hương tựa khúc dân ca

    Nếu mà không Quan họ, Bắc Ninh ơi có buồn? Một câu hỏi được thốt lên bằng tình yêu, sự mến mộ dành tặng Quan họ, không cần có câu trả lời, bởi “nếu không Quan họ, đâu còn là Bắc Ninh!?”.
  • 'Hội nghị cộng tác viên năm 2024

    Hội nghị cộng tác viên năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 24/11, Báo Sơn La đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2024 và trao giải Cuộc thi “Nét đẹp Sơn La”. Đồng chí Lã Minh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập chủ trì Hội nghị.