Tìm cây gửi đất, xóa nghèo cho nhân dân vùng lòng hồ thủy điện

Trong giai đoạn 2016-2020, trên 620 ha cây lâm nghiệp trồng theo các chương trình, dự án hỗ trợ và trên 200 ha người dân tự bỏ vốn để trồng đã phủ xanh các sườn đồi đất dốc, bạc màu tại các xã vùng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc huyện Phù Yên, góp phần tạo thêm sinh kế, phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

Cánh rừng tếch được trồng tại Trung tâm xã Tường Hạ (Phù Yên).

           

Tìm hướng đi cho vùng đất dốc ven sông

           

Trồng cây lâm nghiệp trên đất bạc màu là câu chuyện khá dài của người dân trong vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Câu chuyện mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là sự kiên trì, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, xã trong việc thuyết phục người dân phát triển loại cây trồng này suốt mấy chục năm qua. Tại bản Bèo, xã Tường Phong, ông Đinh Công Hòa nhớ lại: Sau khi nhường những diện tích đất sản xuất màu mỡ và nơi ở cho dòng điện của Tổ quốc, bản Bèo chúng tôi cũng như người dân các xã khác trong vùng luôn nỗ lực tìm hướng để phát triển sản xuất. Điều kiện khí hậu nóng quanh năm, phần lớn đất sản xuất có độ dốc lớn, nên bà con chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, đặc biệt là cây ngô. Nhưng đất dốc bạc màu nhanh, cây lương thực cũng không có khả năng cho thu hoạch.

           

Cán bộ và nhân dân xã Tân Phong (Phù Yên) kiểm tra rừng cây tếch.

           

Nhiều giải pháp phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân các xã, bản diện di vén vùng hồ thủy điện Hòa Bình đã được huyện Phù Yên đặt ra. Mốc phát triển trồng cây lâm nghiệp ở các xã vùng hồ là vào năm 1995, huyện triển khai Dự án trồng rừng theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 7/12/1994, với mục tiêu ổn định dân cư và phát triển kinh tế, xã hội vùng tái định cư lòng hồ thủy điện Hòa Bình (còn gọi là Dự án 747). Theo đó, Dự án 747 đã hỗ trợ người dân 7 xã vùng lòng hồ trồng trên 65 ha cây tếch trong giai đoạn đầu từ năm 1997-1999.

           

Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, vào những năm 2000 đến khi kết thúc Dự án 747, rồi chuyển qua các Dự án 1382 và 1460, việc triển khai trồng cây lâm nghiệp khó khăn do hầu hết người dân đều chuyển qua việc trồng cây ngô với tâm lý phải lo cái ăn trước mắt. Kế hoạch, chỉ tiêu giao trồng mới hàng năm chỉ ở mức đạt ở mức thấp.

           

Cán bộ xã Tân Phong (Phù Yên) hướng dẫn kỹ thuật trồng cây tếch cho người dân bản Vạn Yên.

           

Từ năm 2011-2016, khi năng suất cây ngô ngày càng kém, giá bán thấp hơn nhiều so với trước, cùng với việc tỉnh ra có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Cây gỗ tếch trồng những năm 1997 khi mới triển khai thực hiện Dự án 747 đã cho khai thác đem lại thu nhập, người dân các xã vùng lòng hồ đã phần nào hiểu được lợi ích lâu dài mà cây lâm nghiệp mang lại nên việc tuyên truyền, vận động trồng cây lâm nghiệp đã thuận lợi hơn trước. Giai đoạn này, huyện Phù Yên đã chỉ đạo phát triển kinh tế các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, với hướng tập trung phát triển nuôi cá lồng, đặc biệt là mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp, từng bước hình thành và phát triển kinh tế rừng.

           

Trong suốt quá trình thực hiện, huyện đã chỉ đạo các xã vùng hồ tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích của việc trồng cây lâm nghiệp, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn cho đất và được thu nhập từ cây gỗ. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của các dự án, người dân còn tự chủ động bỏ vốn để mua cây về trồng, đến nay, đã có trên 200 ha cây tếch được người dân tự trồng trên diện tích đất bạc màu.

           

Một trong những định hướng phát triển trồng cây lâm nghiệp ở vùng này còn phải kể đến là nguồn vốn của Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã giao kế hoạch trồng rừng hàng năm cho các địa phương, hỗ trợ người dân giống các loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế để đưa vào trồng, như: Tếch, xoan, bạch đàn... Đến năm 2015, sau nhiều cuộc kiểm tra, đánh giá của việc trồng cây lâm nghiệp cho thấy, các loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các xã vùng lòng hồ.

           

Màu xanh trên những đồi đất dốc

           

Chúng tôi về xã Tường Phong để được tận mắt chứng kiến những khu rừng tếch trải dài xanh ngát, rộng gần 300 ha, thành quả của Dự án trồng rừng theo Quyết định 747. Sau nhiều năm kiên trì trồng rừng, đến nay, hộ ông Đinh Văn Nắp, bản Bèo xã Tường Phong đã được hưởng lợi từ rừng. Ông Nắp chia sẻ: Năm 1995, tôi tham gia trồng tếch theo Dự án 747, khi đó, bản thân tôi cũng chưa hiểu được ý nghĩa cũng như lợi ích kinh tế về sau. Tuy nhiên, Ban quản lý bản khi đó đã vận động nên trồng cây để giữ đất nên tôi cũng làm theo. Sau này thấy được hiệu quả kinh tế, tôi tiếp tục trồng thêm 4 ha do Nhà nước hỗ trợ và tự bỏ vốn để trồng. Số cây trồng từ năm 1995 đã cho lấy gỗ, nên gia đình quyết định khai thác một phần bán lấy tiền làm nhà, đồng thời, mua thêm cây giống trồng dặm vào diện tích đã khai thác. Riêng tiền bán gỗ tếch từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu được 400 triệu đồng.

           

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên ươm giống cây tếch cung ứng cho người dân.

           

Còn ông Hà Văn Minh, Trưởng bản Bèo, xã Tường Phong, cho hay: Bản Bèo hiện có trên 100 ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây gỗ tếch, với 35/35 hộ tham gia trồng rừng, gia đình nào cũng có từ 1 ha cây tếch trở lên. Gia đình tôi đã thu hoạch 1 ha cây tếch trồng từ Dự án 747, ngoài ra, tôi còn có trên 1,5 ha tếch 7 năm tuổi. Tôi trồng cây tếch vừa là để phủ xanh đất trống đồi trọc vừa là để sau này bán gỗ tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, Ban quản lý bản cũng vận động bà con tiếp tục mua thêm cây giống về trồng trên các sườn đồi của của bản, chúng tôi mong bản Bèo sẽ thoát nghèo, cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay nhờ rừng.

           

Rời xã Tường Phong, trên tuyến quốc lộ 43 hướng từ xã Tường Thượng - Bến phà Vạn Yên, chúng tôi đến xã Tân Phong. Những sườn đồi trơ trọi, đất bạc màu trước đây đã được khoác lên mình màu xanh của những cánh rừng. Điều kiện thổ nhưỡng của Tân Phong không thuận lợi như các xã vùng lòng hồ khác, với đa phần diện tích đất có độ dốc lớn, trồng các loại cây ngắn ngày không hiệu quả. Nhưng thực tế đã chứng minh, trồng cây lâm nghiệp lâu năm trên diện tích đất này mang lại hiệu quả kép cho người dân. Vì vậy, diện tích trồng cây lâm nghiệp ở xã ngày càng được mở rộng. Hiện, Tân Phong có trên 100 ha tếch.

           

Ngoài 620 ha cây lâm nghiệp trên các sườn đồi dốc bạc màu được trồng theo các chương trình, Dự án hỗ trợ kinh phí, một số hộ khác tự bỏ tiền vốn để mua cây giống về trồng, với mong muốn cải thiện kinh tế của gia đình mình, với diện tích trên 200 ha. Riêng sau Tết Nguyên đán năm 2021 và mùa trồng rừng trung tuần tháng 7, người dân các xã vùng lòng hồ đã tự bỏ vốn trồng trên 60 ha tếch. Theo các hộ dân, cây tếch dễ trồng, sau khi đưa bầu cây xuống đất chỉ cần phát dọn cỏ. Đến khi cây lên tán, hầu như không phải chăm sóc. Khoảng 10-15 năm sau, rừng gỗ tếch cho thu hoạch, với giá bán bình quân 5 triệu đồng/khúc cây dài khoảng 2,5m. Có lẽ vì lý do này nên người dân ở các xã vùng lòng hồ Phù Yên gọi cây tếch ở quê mình là “của để dành”.

           

Phát triển bền vững cây lâm nghiệp vùng ven sông

           

Trở về UBND huyện Phù Yên, trong câu chuyện về kế hoạch phát triển cây lâm nghiệp ở các xã vùng hồ, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, chia sẻ: Để việc trồng cây lâm nghiệp trên đất dốc bạc màu lan tỏa sâu rộng tới người dân các xã, UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện người dân tham gia trồng cây lâm nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dài hạn, phù hợp với chu kỳ kinh doanh của cây lâm nghiệp. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ người dân phát triển rừng bền vững. Đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu trồng cây lâm nghiệp, huyện sẽ hướng dẫn sản xuất theo phương thức nông - lâm kết hợp, thực hiện chăn nuôi đại gia súc và trồng cây nông nghiệp trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng.

           

Vườn ươm giống cây tếch tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên.

           

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế rừng hiệu quả, phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 50%, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Hiện thực hóa Nghị quyết, các xã tiếp tục bảo vệ tốt diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên, phục hồi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn; tiếp tục triển khai trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất dốc bạc màu. Đặc biệt, mạnh dạn đề ra mục tiêu trồng mới 300 ha cây lâm nghiệp/năm. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các đoàn khảo sát điều kiện thổ nhưỡng tại các xã, làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp của việc đưa một số loại cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng, giúp người dân sống được bằng nghề rừng.

           

Phần lớn cây giống trồng rừng được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên cung ứng cho người dân các xã. Ông Kim Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên, cho biết: Hàng năm, đơn vị ươm từ 600-700 nghìn cây giống bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng cho nhân dân quanh năm. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp cho bà con trong quá trình trồng rừng.

           

Với “mục tiêu kép” phủ xanh đất trống đồi trọc và tạo sinh kế, phát triển kinh tế bền vững cho người dân, việc trồng cây lâm nghiệp ở các xã vùng lòng hồ của huyện Phù Yên đã minh chứng rõ nét hướng đi đúng, mang lại hiệu quả. Mong rằng, tương lai không xa, những cánh rừng tếch sẽ đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc huyện Phù Yên.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới