Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng lòng hồ

Huyện Phù Yên có khoảng 1.000 ha mặt nước lòng hồ, thuộc 8 xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Mỗi năm, sản lượng đánh bắt thủy sản bình quân của toàn huyện đạt trên 370 tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ở khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa phận huyện Phù Yên suy giảm đáng kể, do việc người dân đánh bắt quá mức, đặc biệt là vào mùa cá sinh sản; sử dụng mắt lưới nhỏ hoặc dùng thuốc nổ hay kích điện để đánh bắt thủy sản... Do vậy, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ cần có giải pháp mạnh hơn.

 

Cán bộ và nhân dân huyện Phù Yên thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bản Vạn Yên, xã Tân Phong.

 

Tại xã Tân Phong diện tích mặt nước tương đối lớn, với trên 150 ha. Ông Đinh Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, thông tin: Vào mùa nước nổi hay đầu mùa nước rút, thuyền đánh cá từ một số địa phương giáp ranh thuộc tỉnh Hòa Bình cũng lên đánh bắt thủy sản. Qua kiểm tra của lực lượng chức năng của xã, đã phát hiện nhiều trường hợp dùng mắt lưới không đúng quy định và có biểu hiện đánh bắt tận diệt thủy sản. UBND xã đã nhắc nhở và tiến hành xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, nhưng hiện tượng này vẫn tái diễn.

Qua khảo sát, việc khai thác thủy sản không đúng quy định diễn ra nhiều địa phương có diện tích lòng hồ trên địa bàn huyện. Để khắc phục tình trạng này, huyện Phù Yên đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, đánh bắt có tính chất hủy diệt. Nhất là vào mùa cá sinh sản, mùa nước nổi và đầu mùa nước rút, Tổ công tác liên ngành của huyện phân công thành viên về các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát và nhắc nhở trước khi người dân thực hiện cất vó hay giăng lưới trên sông.

Cùng với đó, kết hợp với việc thông báo các khu vực đã được quy hoạch làm bãi đẻ của cá, bãi con non và hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc thời gian đánh cá được quy định Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ. Hàng năm, qua kiểm tra, kiểm soát đã xử lý trung bình từ 5-6 vụ vi phạm, thu giữ nhiều dụng cụ đánh cá mang tính hủy diệt như bộ kích điện, lưới đánh cá mắt nhỏ... Bên cạnh đó, tổ công tác liên ngành còn kết hợp tuyên truyền cho người đánh cá tại các xã vùng lòng hồ thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các tổ công tác đến các khu vực đánh cá của người dân để tuyên tuyền, kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có...

Các địa phương cũng tổ chức triển khai việc tuyên truyền để người dân các xã vùng lòng hồ hiểu rõ và tuân thủ nghiêm các quy định của việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên sông. UBND các xã thường xuyên tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ việc đánh bắt thủy sản quá mức và sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt sẽ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, các nội dung quy định về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được đưa vào hương ước, quy ước của các bản ven sông. Nên đa số bà con đã hiểu và đồng thuận trong việc thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Đinh Văn Hòa, bản Bèo, xã Tường Phong, một trong những người có thâm niên nghề đánh cá trên lòng hồ, chia sẻ: Tôi làm nghề này đã hơn 10 năm nay. Tôi thường xuyên được cán bộ xã về tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện các quy định đánh bắt thủy sản. Vì vậy, tôi hiểu được bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ nguồn thu nhập chính của gia đình nói riêng và của bà con trong bản, trong xã nói chung.  Do đó, tôi luôn tuân thủ các quy định về mắt lưới đánh cá, khu vực được phép đánh cá theo thông báo của UBND xã.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, hàng năm, huyện Phù Yên còn tổ chức thả cá giống trên diện tích lòng hồ vào ngày truyền thống của ngành Thủy sản 1/4. Trong giai đoạn từ 2017-2020, huyện đã thả trên 70.000 con cá giống các loại, gồm: Cá mè trắng, cá trôi, cá chép và cá lăng. Từ đầu năm đến nay, đã thả 8.000 con cá giống các loại.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Trước ngày thả cá giống hàng năm, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tiến hành kiểm tra chất lượng, nguồn gốc con giống. Ngoài ra, huyện còn hoàn thiện, bổ sung quy hoạch các khu cá sinh sản để thông báo cho người dân tuân thủ quy định không đánh cá tại các khu vực này. Đồng thời, tham mưu, đề xuất chủ trương xây dựng cảng cá và dịch vụ hậu cần, góp phần giúp người dân tập kết cá sau mỗi lần đánh bắt...

Để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện Phù Yên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các xã vùng lòng hồ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó tự giác thực hiện; chỉ đạo ban quản lý các bản đưa nội dung này vào hương ước để người dân thống nhất thực hiện...

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Xã hội -
    Ngày 24/10, tại VOV Tây Bắc, tỉnh Sơn La, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho trên 30 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
  • 'Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 23/10, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11.
  • 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Khoa Giáo -
    Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường học tập để trẻ vui chơi, phát triển trí tuệ và năng khiếu.
  • 'Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Kinh tế -
    Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây sắn cao sản, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng sắn làm nguyên liệu chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
  • 'Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Xã hội -
    Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.