Yên Châu sau 2 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp

Với quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hai năm qua, các chi bộ, đảng bộ ở huyện Yên Châu đã cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào thực tiễn địa phương, lựa chọn đúng những vấn đề trọng tâm có lợi thế để phát triển và đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Châu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển huyện Yên Châu theo hướng bền vững.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra kè chống sạt lở suối Vạt 
bảo vệ thị trấn Yên Châu.

Đồng thời, Huyện ủy đã xác định 3 khâu đột phá, gồm: Tăng cường phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị thông minh. Thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên cho kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề. Hằng năm, ban hành chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo toàn diện các mặt công tác. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể các phòng, ban, đơn vị, các xã theo phương châm “5 rõ” - rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách, dự sinh hoạt tại các xã, bản; thường xuyên xuống địa bàn được phân công phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính xã Mường Lựm.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, Đảng bộ xã Chiềng On đã xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ các đồng chí trong cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ông Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 19 chỉ tiêu, đến nay xã đã đạt 16 chỉ tiêu, còn 3 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; thành lập HTX. Điểm đáng ghi nhận, nghị quyết Đảng bộ xã đề ra hằng năm giảm 5,8% tỷ lệ hộ nghèo, riêng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm 7,52% so với năm 2021 và là xã có tỷ lệ giảm hộ nghèo cao nhất huyện.

Phát triển, đầu tư đúng định hướng

Tập trung phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh.

Mô hình trồng xoài tròn của thành viên HTX nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: UBND huyện đã tham mưu xây dựng, ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 12/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Cụ thể hóa nghị quyết, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, thành lập tổ công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Năm 2022, tổng sản lượng nông sản tiêu thụ, xuất khẩu đạt trên 53.700 tấn, giá trị đạt trên 530 tỷ đồng; sản phẩm chế biến đạt 750 tấn, giá trị trên 600 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 50,5 triệu đồng.

Nâng cao giá trị nông sản, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Trong đó, hỗ trợ đầu tư 15 lò sấy hơi nhiệt, 15 cơ sở đóng gói, 1 dây chuyền sấy lạnh chế biến chuối sấy giòn, sấy dẻo, long nhãn, chè khô, xoài, mận, tỏi đen, nghệ và sản xuất rượu từ sản phẩm chuối; góp phần giảm áp lực tiêu thụ nông sản tươi và nâng cao giá trị nông sản.

Tại xã Lóng Phiêng, điểm nhấn là phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Trong quý I/2023, xã lãnh đạo, chỉ đạo các bản thực hiện bê tông được 8,7 km đường nội đồng. Trong đó, nhân dân các bản: Yên Thi, Mơ Tươi, Mỏ Than đóng góp 2,9 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng, nói: Xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo; đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 34 triệu đồng/người/năm, đạt 52,4% so với nghị quyết đề ra.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Yên Châu có bước chuyển dịch tích cực. So với chỉ tiêu nghị quyết, giá trị sản phẩm thu hoạch 51 triệu đồng/ha, đạt 94,5%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2022 vượt so với chỉ tiêu nghị quyết; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 98,6%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,3%... Qua đánh giá, đến nay, Yên Châu có 16/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện đạt từ 60% trở lên.   

Quyết tâm bứt phá

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Yên Châu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tầm quốc gia, mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước, xuất khẩu; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh cây xoài, mận, nhãn, tỏi đen…

Đồng bào dân tộc Thái xã Sặp Vạt duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống.

Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản Yên Châu ra thị trường trong nước và quốc tế; phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi, nhất là tại các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn... Rà soát, thực hiện quy hoạch phát triển cây dược liệu gắn với thu hút các nhà đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn.

Tập trung thực hiện tốt việc quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cụm công nghiệp, thu hút đầu tư. Nghiên cứu, xây dựng, hình thành các tour tuyến du lịch liên vùng, liên huyện phát huy lợi thế về vị trí của huyện Yên Châu giáp với huyện Mộc Châu; phát triển các khu du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài…

Quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng thuận của nhân dân, Đảng bộ huyện Yên Châu tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp, đoàn kết, chung sức, chung lòng vì một Yên Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thi công tuyến đường bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng.
Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới