Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện Mộc Châu đang tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới... Đây là những điều kiện quan trọng để Mộc Châu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Những mô hình nông nghiệp xanh
Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện các mô hình điểm kết hợp với công tác tuyên truyền vận động, hiện phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được các hộ dân ở Mộc Châu nhiệt tình hưởng ứng và triển khai sử dụng các loại chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Toàn huyện đã có gần 180 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất gần 1.100 ha; có khoảng 2.100 tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thực hiện ủ phân hữu cơ vi sinh tại vườn, với khối lượng khoảng trên 4.200 tấn; có gần 3.000 cơ sở sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt, trong đó có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã và 2.911 hộ dân; trên 51% với tổng lượng phân bón đã sử dụng là phân hữu cơ; trên 41% lượng thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng là thuốc có nguồn gốc sinh học. UBND huyện Mộc Châu đã định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển 8 điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần củng cố, nâng cao thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông sản Mộc Châu.
Xã Hua Păng đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
Ban Thường vụ huyện ủy Mộc Châu thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn, theo đó: Thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính của huyện và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo nhu cầu của các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng. Tổ chức thúc đẩy hỗ trợ liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín.
Người dân bản Hoa, xã Tân Lập thu hái chè Kim Tuyên để xuất khẩu.
Đồng chí Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: UBND huyện tập trung định hướng, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh Sơn La, như: Phát triển vùng nguyên liệu cây ngô để cung cấp cho đàn bò sữa của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; vùng nguyên liệu cây chanh leo, dứa Queen, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương rau và liên kết tiêu thụ các loại quả xoài, nhãn phục vụ chế biến để cung cấp cho Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La; vùng nguyên liệu cây bắp cải, cải thảo, rau cải, hành lá, cà rốt cung cấp cho Nhà máy chế biến của Công ty TNHH IC FOOD Sơn La; vùng nguyên liệu cây Gai xanh AP1 để cung cấp cho Nhà máy chế biến của Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa...
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Với nền sinh thái nông nghiệp tốt, nhiều dân tộc với những bản sắc văn hóa phong phú là những lợi thế quan trọng để Mộc Châu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng bản du lịch cộng đồng bản Áng, xã Đông Sang; bản Dọi, xã Tân Lập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Phối hợp với Dự án GREAT trong khuôn khổ thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Australia do UBND tỉnh Sơn La và Đại sứ Australia tại Việt Nam triển khai Dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp tại bản Dọi (xã Tân Lập), bản Vặt (xã Mường Sang) và bản Áng (xã Đông Sang), gồm: Cho vay vốn sửa chữa, nâng cấp homestay, phát triển sinh kế; tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ làm du lịch cộng đồng; phát triển các sản phẩm du lịch. Hướng dẫn HTX du lịch bản Áng, xã Đông Sang triển khai ý tưởng “Không gian văn hóa bản Áng - Chợ phiên trải nghiệm văn hóa người Thái”; thực hiện Dự án “Quản lý toàn diện điểm đến du lịch” gồm xây dựng khu phố đi bộ - chợ đêm.
Mô hình trồng cây ăn quả của một hộ dân xã biên giới Chiềng Sơn.
Năm 2021, huyện Mộc Châu tiếp tục xây dựng bản Tà Số 1, huyện Mộc Châu thành bản du lịch cộng đồng. Đây là bản có 197 hộ đồng bào Mông sinh sống với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên đẹp những vườn mận nở hoa rất đẹp vào mùa xuân, đặc biệt là các hộ dân đều giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông.
Đến thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng của gia đình anh Mùa A Của, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc. Tháng 12 năm 2020, gia đình anh được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu cho vay 100 triệu đồng để xây dựng mô hình nhà nghỉ phục vụ du lịch cộng đồng, cộng với tiền tiết kiệm, anh Của đã dựng được 1 căn nhà gỗ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông với 5 phòng phục vụ khách ăn nghỉ. Anh Của cho biết: Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình đang mang lại thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng.
Một nhà du lịch cộng đồng ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc.
Cùng với triển khai các dự án du lịch, Mộc Châu còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, như: Xây dựng mô hình tham quan bò sữa, đồi chè; khuyến khích người nông dân trồng, khai thác dịch vụ thăm quan hoa cải, hoa tam giác mạch, trồng đào, mận; khuyến khích cơ sở kinh tế xây dựng các mô hình mẫu cho phát triển du lịch, như: Mô hình tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây hoa cảnh. Bên cạnh đó là việc xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của địa phương, như: sản phẩm chè, sản phẩm sữa; các loại quả mận, bơ, hồng giòn; hình thành 10 khu vườn cây ăn quả mẫu cho các loại quả đặc trưng ở Mộc Châu...
Thay cho lời kết
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mộc Châu đã đi theo đúng lộ trình kế hoạch. Hiện toàn huyện có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân mỗi xã đạt 15,84 tiêu chí nông thôn mới. Các nguồn lực kinh tế được huy động, lồng ghép đầu tư hiệu quả đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn của Mộc Châu phát triển.
Mô hình trồng rau theo mô hình hữu cơ ở xã Đông Sang.
Cơ cấu kinh tế nông thôn ở huyện tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng, từng lĩnh vực. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang ngày càng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chương trình ứng dụng công nghệ cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân, đưa kinh tế các vùng nông thôn phát triển theo chiều sâu, ổn định và bền vững...
Lớp học mầm non bản Cà Đạc, xã Tân Hợp.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng khắp, lan tỏa trên địa bàn huyện Mộc Châu với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện. Các xã, bản sau khi hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới lại hăng hái đăng ký các tiêu chí thực hiện nông thôn mới nâng cao. Trong quý 1 năm 2022, tiếp tục có 9 bản đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 3 bản đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 bản đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới.
Với cách triển khai bài bản, đồng bộ với nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, tin tưởng đến năm 2025, huyện Mộc Châu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng kế hoạch và nghị quyết đã đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!