Tại cuộc làm việc với tỉnh Sơn La đầu tháng 4/2024, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đất có nguồn gốc nông, lâm trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ lập phương án sử dụng đất. Bởi có hoàn thành bước này, mới xác định vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất đề nghị giữ lại sử dụng theo từng loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; trong đó, làm rõ diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, bị lấn, chiếm, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư đang tranh chấp.
Đẩy nhanh tiến độ lập phương án sử dụng đất
Trong phương án sử dụng đất xác định vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất bàn giao cho địa phương, bao gồm các loại đất, sau: Đất dôi ra do thu hẹp nhiệm vụ; đất không sử dụng, đất công ty đang khoán trắng, sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã chuyển nhượng; diện tích đất đã bán vườn cây; đất kết cấu hạ tầng không phục vụ sản xuất; đất ở theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt.
Đồng thời, xác định nhu cầu sử dụng đất thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới và các mục tiêu, nhiệm vụ của công ty nông, lâm nghiệp, cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương; trong đó làm rõ: vị trí, ranh giới, diện tích đất theo phương án giao đất không thu tiền sử dụng đất (đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh) và diện tích đất sẽ cho các công ty nông, lâm nghiệp thuê đất.
Phương án tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, xây dựng phương án phân bổ quỹ đất cho các mục đích sử dụng cụ thể đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Xây dựng phương án, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất; xử lý đối với đất cho thuê, cho mượn; thu hồi đất bị lấn, bị chiếm; xử lý diện tích đất đang có tranh chấp. Xây dựng phương án bố trí lại diện tích đất ở thành khu dân cư (nếu có).
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Tỉnh Sơn La đề nghị Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn việc lập phương án sử dụng với đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng; hướng dẫn việc lập dự toán và thuê đơn vị tư vấn thực hiện việc lập phương án sử dụng đất.
Trong khi chờ Trung ương cấp bổ sung kinh phí, UBND các huyện Mộc Châu, Mai Sơn chủ động cân đối kinh phí từ ngân sách huyện, thực hiện đo đạc, lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích đã thu hồi bàn giao cho UBND huyện quản lý.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Hiện nay, huyện triển khai thí điểm lập phương án sử dụng đất của Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung bàn giao cho huyện Mai Sơn quản lý làm cơ sở định hướng cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện, lập phương án chi tiết sử dụng đất, lập kế hoạch giao đất, quản lý sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật. Nguồn kinh phí triển khai tạm ứng từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất ngân sách cấp huyện. Đồng thời, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cân đối, với mục tiêu hoàn thành lập, trình phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung bàn giao cho địa phương quản lý năm 2024. Sau đó, tiếp tục lập phương án sử dụng đất của Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn xử lý các trường hợp diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao về cho địa phương nhưng hiện nay các hộ, cá nhân đã xây dựng công trình, nhà ở trên đất sản xuất nông nghiệp, canh tác trên đất nông nghiệp do trước đây các hộ nhận khoán. Kiến nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có văn bản hướng dẫn việc thực hiện xử lý các trường hợp công ty nông, lâm nghiệp đã ký hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ, tuy nhiên, đến nay công ty đã chuyển đổi hình thức Nhà nước nắm giữ 70% vốn điều lệ và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ.
Áp dụng Luật Đất đai sửa đổi
Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, Điều 181, Luật Đất đai quy định chế độ sử dụng đất “Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng”.
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin thêm: Tại Luật Đất đai sửa đổi đã mở rộng các đối tượng sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường được xem xét công nhận quyền sử dụng đất so với quy định hiện hành, như: Công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được các nông, lâm trường hay các công ty nông, lâm nghiệp giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1/2/2015.
Các trường hợp giấy tờ của nông, lâm trường quốc doanh về việc giao đất để làm nhà ở hoặc làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp trước ngày 1/7/2004 thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Quy định góp phần giải quyết các vướng mắc liên quan khi thực hiện các công cụ quản lý đất đai đối với nhóm đối tượng đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được các nông, lâm trường hay các công ty nông, lâm nghiệp giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1/2/2015.
Tuy vậy, tại các quy định của Luật Đất đai sửa đổi chưa giải quyết được các trường hợp, như: Đang sử dụng đất trong ranh giới các công ty nông, lâm nghiệp; các trường hợp đang sử dụng đất trong phần diện tích 18.000 ha các công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao về địa phương do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 181, Luật Đất đai.
Nhiều giải pháp được tỉnh Sơn La triển khai
Tháo gỡ khó khăn, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 549-QĐ/TU ngày 22/11/2022 thành lập Ban Chỉ đạo về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và đất do nông, lâm trường quản lý trên địa bàn tỉnh Sơn La.
UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La” tại Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 5/10/2023, với tổng khái toán kinh phí dự kiến trên 177 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 7/12/2023, UBND tỉnh phát hành Công văn số 5029/UBND-KT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, ngày 5/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số 187/TTr-STNMT đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Sơn La”; trong đó, có tổng hợp cả nhiệm vụ của Đề án nông, lâm trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 5/10/2023.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, những khó khăn, vướng mắc đất có nguồn gốc nông, lâm trường sẽ dần được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho việc quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện lập phương án, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, tránh thất thu ngân sách, đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!