Ký ức một thời “đi B”

Trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm và cùng cánh quân phía Bắc tiến vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước - Một thời oanh liệt, hào hùng đó vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Quang Sắc, tiểu khu 4, thị trấn Phù Yên.

81 ngày đêm trong “cối xay thịt”

Năm nay đã 71 tuổi, trên gương mặt lốm đốm những nốt đồi mồi, cùng nếp nhăn của tuổi tác, nhưng ông Nguyễn Quang Sắc vẫn giữ tác phong đầy “chất lính”. Ông kể cho chúng tôi về thời gian cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường B.

Sinh ra và lớn lên tại xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, năm 1970, vừa tròn 19 tuổi, ông Sắc viết đơn tình nguyện nhập ngũ, dù biết khó khăn, nguy hiểm và có thể hy sinh, nhưng tinh thần yêu nước và lý tưởng sống khi ấy thôi thúc ông xung phong “đi B” - vào chiến trường miền Nam ruột thịt, với quyết tâm góp sức giành độc lập tự do cho dân tộc. Sau thời gian huấn luyện, ông Sắc được cử đi học lớp bồi dưỡng Trung đội trưởng tại Trường Quân chính Quân khu 3. Sau đó, được biên chế về đơn vị D14 - E64 - Sư đoàn Bộ binh 320b (nay là Sư đoàn Bộ binh 390) hành quân vào Nam chiến đấu.

Tháng 3/1972, đơn vị của ông Sắc nhận nhiệm vụ vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Đối với đế quốc Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, tuyến phòng thủ Quảng Trị được xem như “con đê” vững chắc nhất ngăn cản quân Giải phóng của ta Nam tiến. Thất bại tại chiến dịch Xuân - Hè 1972, tuyến phòng thủ của địch đã bị quân ta chọc thủng, để tiến đến ngày giải phóng Quảng Trị. Trước tình hình đó, Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Mỹ quyết tâm mở chiến dịch quy mô lớn hòng chiếm lại phần đất mà quân ta đã giải phóng. Từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, địch đã huy động một lực lượng quy mô lớn, với sự phối hợp của không quân và hải quân Mỹ đánh phá ác liệt Thành cổ Quảng Trị. Các chiến sĩ quân giải phóng đã kiên cường bám trụ, phòng thủ bảo vệ từng tấc đất Thành cổ.

Ông Nguyễn Quang Sắc (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội chia sẻ những câu chuyện một thời “đi B”.

Nhớ lại thời kỳ đó, ông Sắc kể: Bắt đầu từ sáng sớm ngày 28/6/1972, xuất phát phía đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích vào Thành cổ Quảng Trị. Liên tục trong 81 ngày đêm đó, chúng tôi - những người lính giải phóng luôn tập trung cao độ để chiến đấu chống lại kẻ thù. Ngoài bộ binh và xe tăng địch tiến vào; ngoài biển, Hạm đội 7 của Mỹ bắn pháo; phía Nam, giàn pháo từ Mỹ Chánh bắn lên, rồi máy bay địch ném bom xuống. Chúng tôi phải tranh thủ khoảng thời gian rất ngắn giữa các đợt pháo kích để ăn, uống, lấy sức tiếp tục chiến đấu. Sau các đợt pháo bắn và ném bom của địch vào vị trí treo lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng tôi đều cố gắng cắm lại cờ vào vị trí cũ. Có lần đơn vị phải chia nhau mỗi tiểu đội ở một vị trí, cắm cờ nhỏ trên đầu súng AK và di chuyển nhiều nơi trong trận địa, kiên quyết giữ bằng được vùng giải phóng.

Đúng với tên gọi “cối xay thịt”, tổng khối lượng bom đạn mà Mỹ đã dội xuống hơn 3 km² của Thành cổ Quảng Trị là khoảng 328.000 tấn. Trung bình mỗi chiến sĩ của ta tham gia trận đánh Thành cổ phải chịu 100 tấn bom, đạn của địch. 81 ngày đêm chiến đấu, đã có rất nhiều hi sinh, mất mát của các chiến sĩ quân giải phóng. Nhớ về những người đồng đội đã nằm lại ở chiến trường, ông Sắc trầm ngâm, hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm màu sương gió, rồi nghẹn ngào “Thương lắm”.

Trấn tĩnh lại và lau giọt nước mắt, giọng ông nghẹn ngào: Đồng đội tôi hy sinh nhiều lắm. Giặc pháo kích liên tục 24/24 giờ, có người đồng đội vừa nói với tôi: Sau này giải phóng rồi, em sẽ tiếp tục học đại học, vài phút sau đó, cậu ấy trúng đạn pháo và hi sinh. Những người may mắn còn sống và trở về như tôi luôn đau đáu niềm thương nhớ những người đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

 

Niềm vui ngày giải phóng

 

Thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Paris. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau trận đánh Thành cổ Quảng Trị, ông Nguyễn Quang Sắc cùng đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận miền Trung cho đến mùa xuân năm 1975. Đơn vị của ông thuộc cánh quân phía Bắc - một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Người lính giải phóng Nguyễn Quang Sắc khi ấy đã được chứng kiến thời khắc lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Đơn vị của ông Sắc tiến quân theo hướng Tây Bắc đánh chiếm thị xã Tân Uyên, cầu Bình Lợi. Vào đến Sài Gòn khoảng 10h ngày 30/4/1975, đơn vị của ông đảm nhiệm tiến công theo ngã tư Phú Nhuận, rẽ vào đường Võ Tánh vây chặt 3 cổng của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Ông Nguyễn Quang Sắc chia sẻ kỷ vật thời chiến đấu với phóng viên.

Ông Sắc nhớ lại: Trong thời khắc lịch sử, tôi được tận mắt nhìn thấy lá cờ của quân Giải phóng tung bay trên nóc Bộ Tổng Tham mưu của địch, cùng với lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh phát trên loa truyền thanh, chứng kiến nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón quân Giải phóng... Lúc ấy, chúng tôi tiếp tục giữ vững trận tuyến, đề phòng có quân nổi dậy, quân phản cách mạng đánh trả. Khi Ủy ban quân quản lâm thời giải thể, chúng tôi mới thực sự yên tâm, phấn khởi vì đất nước đã hoàn toàn thống nhất.

 

Tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

 

Năm 1978, ông Nguyễn Quang Sắc xuất ngũ trở về quê hương Thái Bình. Ông theo học lớp tại chức về quản lý thuế. Đến năm 1980, ông cùng gia đình chuyển lên sinh sống tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và tiếp tục công tác tại ngành Thuế. Sau gần 30 năm công tác, năm 2011, ông Sắc nghỉ chế độ hưu trí. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy chương chiến sỹ Giải phóng; Bằng khen của Sư đoàn 390...

Tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong huyện, hàng năm các ngày 30/4, 2/9, ngày giải phóng Sơn La, huyện Phù Yên và các buổi học ngoại khóa, nhận lời mời của các trường học trên địa bàn, ông Sắc đã đến các trường kể về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, những câu chuyện chiến đấu của bản thân ông và đồng đội..., hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Quang Sắc kể lại kỷ niệm chiến đấu tại chiến trường miền Nam cho học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Phù Yên.

Ông Ngô Xuân Tư, tiểu khu 6, thị trấn Phù Yên, đồng đội của ông Sắc tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cho biết: Ông Sắc dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc sống đời thường, luôn quan tâm chăm lo cho đồng đội. Trong đó, gia đình tôi thường xuyên nhận được sự động viên về vật chất, tinh thần của ông Sắc. Bởi gia đình tôi thuộc diện khó khăn, do con trai tham gia lực lượng Bộ đội Biên phòng đã hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

“Có ai nhớ “đi B” một thời?/ có ai nhớ một thời “đi B”?; “Ba lô ta mang nặng tình đất nước/Nửa hậu phương, nửa tiền tuyến trên vai”... “Tiếng súng dồn giục gọi phía xa/Ta lại bước, núi dù cao, đường dù xa, ta sẽ tới!”...

Chúng tôi xin mượn những câu thơ trong tập thơ “Đi B” của nhà thơ Lê Quang Thưởng để nói về những ký ức một thời hoa lửa của hàng vạn thanh niên, trong đó có ông Nguyễn Quang Sắc, cống hiến trọn tuổi thanh xuân để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay mãi khắc ghi những hy sinh, nhiệt huyết cách mạng, nguyện tiếp bước cha anh bảo vệ, dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Về nguồn”

    Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Về nguồn”

    Thời sự - Chính trị -
    Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025), hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), ngày 20/4, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Về nguồn” tại các khu di tích lịch sử, văn hóa thuộc cụm di tích An toàn khu Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 21/4/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 21/4/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của rìa Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-28 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp phía Tây, từ ngày 21/4 bị nén và dịch dần xuống phía Nam bởi bộ phận áp cao lục địa phía Bắc. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng hoạt động mạnh dần lên và lấn về phía Tây. Thời tiết: Mây thay đổi, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xyả ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt.
  • 'Thực hiện đồng bộ các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

    Thực hiện đồng bộ các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

    Là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung đông dân cư, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nên nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn thành phố Sơn La ở mức cao, đặc biệt là mùa nắng nóng. Ngoài triển khai các biện pháp kỹ thuật giảm tổn thất điện năng, Điện lực thành phố Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
  • 'Hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G

    Hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G

    INFOGRAPHIC -
    Ngày 13/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 2 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gồm 4 chương, 32 điều. Trong đó, quy định rõ các điều kiện, căn cứ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
  • 'Chương trình "Ký ức để lại" tái hiện lịch sử cách mạng hào hùng

    Chương trình "Ký ức để lại" tái hiện lịch sử cách mạng hào hùng

    Tối 19-4, tại Quảng trường Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, Đảng ủy Công an Trung ương (Bộ Công an) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện Chương trình nghệ thuật chính luận "Ký ức để lại", nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025) và 65 năm thành lập Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (7-1960 / 7-2025).