Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã mang lại thu nhập cao cho các bên tham gia, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, người tiêu dùng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi nông sản còn gặp khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất.
Thực tiễn từ phát triển chuỗi
Trên thực tế, việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất của tỉnh còn gặp khó khăn do thiếu sự chủ động, tích cực của người dân. Một số hộ chưa thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; thiếu sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và bảo quản nông sản, thủy sản làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ở một vài chuỗi liên kết, việc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp - HTX - người dân chưa được quan tâm, thiếu sự chia sẻ rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các bên tham gia chuỗi.
Câu chuyện về chuỗi liên kết chanh leo do Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thực hiện là một ví dụ. 5 năm trước, chanh leo là loại cây trồng mang về “mùa vàng” cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh; Công ty CP Nafoods Tây Bắc là một trong 6 đơn vị được tỉnh trao quyết định chứng nhận đầu tư cho phép xây dựng nhà máy chế biến nông sản và được phép triển khai dự án mở rộng vùng nguyên liệu chanh leo. Công ty đã xây dựng nhà máy chế biến chanh leo rau, củ, quả tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2019. Chanh leo trồng ở Sơn La được Công ty thu mua, chế biến xuất khẩu sang các nước Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc.
Ông Mai Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, chia sẻ: Ngay từ khi đặt chân lên Tây Bắc, liên kết “4 nhà” (doanh nghiệp - nhà nước - hợp tác xã, tổ hợp tác - người dân); trong đó, nòng cốt là HTX được Công ty định hướng là mục tiêu chính để phát triển vùng nguyên liệu. Từ 5 ha chanh leo trồng thử nghiệm năm 2015, đến năm 2019, Công ty mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu lên gần 4.000 ha ở các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên. Khi đó, đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 50 HTX, tổ hợp tác.
Trong bản cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm Công ty ký với đại diện các HTX, tổ hợp tác, giá thu mua thực tế theo thị trường và được báo giá theo ngày, có giá bảo hiểm sản phẩm là 4.500 đồng/kg cho tất cả các loại quả... Mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, cho đến khi thương lái mua chanh leo xuất hiện đã làm cho mắt xích chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ, chế biến gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX chanh leo Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Cuối năm 2018, thương lái thu mua chanh leo đã đẩy giá cao hơn của Công ty 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí thời điểm cao hơn 10.000 đồng/kg. Lý do được các hộ dân đưa ra là trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm, Công ty cam kết thu mua quả chanh leo sát với giá thị trường, nhưng thực tế lại thấp hơn và việc phân loại chanh leo khắt khe. Trong khi tư thương mua xô, không bắt phân loại, mà giá lại cao hơn nhiều.
Nhận thấy việc phát triển chanh leo theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm không còn phù hợp, Công ty Nafoods Tây Bắc đã cơ cấu lại liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thông qua các đại lý. Theo ông Mai Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty, việc hợp tác với các đại lý có ưu điểm linh hoạt hơn. Công ty căn cứ nhu cầu sản xuất của nhà máy để liên hệ đặt hàng đại lý từng ngày, nhà máy thanh toán tiền cho đại lý, còn đại lý thu mua của dân và trực tiếp trả tiền cho dân. Mặc dù hình thức này khiến Công ty không chủ động nguyên liệu sản xuất, nhưng là giải pháp khi nhiều HTX không phát huy hiệu quả vai trò chủ thể trong chuỗi liên kết.
Từ thực tế mô hình chanh leo đã và đang đặt ra nhiều khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm trái cây của tỉnh khi năng lực quản trị, điều hành, tài chính của các HTX - hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết còn nhiều hạn chế.
Thay đổi để phát triển
Giải quyết các khó khăn, vướng mắc đặt ra trong liên kết chuỗi, tỉnh ta đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX trồng cây ăn quả, cây dược liệu; quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; hỗ trợ kinh phí triển khai nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: Sơn La cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải. Đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, cung cấp nguyên liệu các nhà máy chế biến, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ, nhằm phục vụ tốt hơn cho cả hệ thống chuỗi nông sản của tỉnh.
Còn Tiến sĩ Bùi Việt Hưng, Viện nghiên cứu châu Âu có những tham vấn về chuỗi cung ứng nông sản Sơn La trong bối cảnh thực hiện EVFTA (thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU). Theo đó, mô hình chuỗi cung ứng nông sản Sơn La hiện đang thực hiện qua khá nhiều công đoạn với nhiều tác nhân tham gia chuỗi cung ứng, như: Nông dân - người thu mua - doanh nghiệp - người bán lẻ - người tiêu dùng. Đây là chuỗi cung ứng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản được khảo sát tại địa bàn huyện Mộc Châu. Mô hình cho thấy, lực lượng lao động trẻ từ 25-35 tuổi chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, còn đa số là người cao tuổi, hạn chế về quản trị, tiếp cận khoa học kỹ thuật và thị trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiến sĩ Bùi Việt Hưng khuyến nghị tỉnh Sơn La cần rà soát, hoàn thiện các quy định về quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế từng vùng, sử dụng đất hiệu quả, cũng như nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản trong bối cảnh hội nhập, phát huy lợi thế so sánh và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tỉnh Sơn La có thể học tập kinh nghiệm xây dựng trung tâm logistics của các tỉnh; thành lập các trung tâm dịch vụ chia sẻ trong nông nghiệp, để cung cấp cho nông dân, HTX và doanh nghiệp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, sơ chế, kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu và sản phẩm; chia sẻ thông tin, kết nối người mua, người bán, đào tạo nghiên cứu thị trường, marketing và hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, cần thúc đẩy tiếp cận, mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước, tạo kết nối tốt giữa các doanh nghiệp cung ứng và phân phối. Cần có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương khi cạnh tranh với các thương hiệu nông sản của địa phương khác.
Phát triển chuỗi giá trị ngành hàng
Theo dõi quá trình xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Việc xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc, như việc hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu quả có chất lượng, đủ số lượng, chủng loại để xuất khẩu, tiêu thụ tại các siêu thị lớn và việc liên kết sản xuất quả giữa các huyện, thành phố còn hạn chế. Chất lượng nguyên liệu quả không đều giữa các địa phương. Ngoài sản phẩm nhãn, thì tỷ lệ nguyên liệu quả đưa vào chế biến chỉ đạt dưới 10%, còn lại chủ yếu tiêu thụ quả tươi.
Từ thực tế trên, cùng với tiếp tục xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu, tỉnh tập trung nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã số vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối), với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.
Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, tạo điều kiện hình thành động lực tăng trưởng cho các địa phương. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng yêu cầu thị trường, như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp dịch vụ. Đánh giá hiệu quả các mô hình, rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới.
Với những giải pháp đồng bộ được triển khai, mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững được nhân rộng và hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và là Trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!