Khu vực dọc sông Đà địa phận xã Tạ Bú và Chiềng Hoa, huyện Mường La, hiện đang có nhiều người dân tự mở các bến thuyền để chở người và phương tiện qua sông. Các hoạt động diễn ra mang tính tự phát, phương tiện và người điều kiển đều không có bất kỳ giấy tờ theo quy định, thậm chí là các dụng cụ tối thiểu như phao cứu sinh, áo phao, thiết bị nổi cũng không có. Mối nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn, nhất là vào mùa mưa bão, ngày thời tiết xấu.
Các thuyền chở người, xe máy qua lại đoạn sông xã Tạ Bú và xã Chiềng Hoa, huyện Mường La.
Những chuyến đò ngang tự phát
Đi trên tuyến đường liên xã Chiềng Công - Chiềng Hoa - Tạ Bú, thuộc các bản: Pết, Tôm, Bắc, Pậu, Tạ Bú của xã Tạ Bú và bản Tả, Hát Hay, bản Áng, xã Chiềng Hoa, chúng tôi nhận thấy ven bờ sông Đà có nhiều bến thuyền. Các đoạn đường nối từ tuyến đường liên xã xuống bến chủ yếu là đường đất mới mở, cũng có đoạn đã được đổ bê tông. Một số điểm xuống bến có biển quảng cáo chở người, xe ô tô, kèm số điện thoại liên hệ. Dưới bến, có thuyền neo đậu chờ đưa khách qua sông. Trên sông, một số chiếc thuyền chở người, xe máy và có chiếc tàu chở ô tô qua sông, tiếng máy nổ ròn rã trên mặt sông nước trong xanh.
Thuyền tại bến bản Tả, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La chở xe ô tô qua sông.
Chúng tôi lên chiếc thuyền chở khách của ông T.V.P tại bến thuyền thuộc bản Pậu, xã Tạ Bú để sang bản Tả, xã Chiềng Hoa. Trên thuyền có 5 khách qua sông. Ông P và người nhà đang cùng nhau uống bia. Quan sát trên thuyền không có áo phao mà chỉ có 2 chiếc phao nổi. Hỏi mượn chiếc áo phao để mặc trước khi thuyền nổ máy, ông P nói: Không cần đâu, nếu cháu bị sao thì ông đền?!. Rồi ông xởi lởi mời tôi lon bia và kể: Tôi lái thuyền đã 40 năm rồi, có nhiều kinh nghiệm lắm. Trước đây, tôi từng về Tà Hộc, huyện Mai Sơn để học cách lái thuyền. Dù chưa đăng kiểm, nhưng thuyền của tôi đã từng chở được người và 20 chiếc xe máy/chuyến qua sông.
Lái thuyền, người dân uống rượu, bia trên thuyền.
Ngay tại bến thuyền bản Tả, xã Chiềng Hoa, anh H.S vừa hoàn thành chuyến chở chiếc xe ô tô qua sông. Anh cho biết: Gia đình tôi vừa đầu tư 450 triệu đồng đóng mới chiếc thuyền này, với mục đích chở hàng hóa nông sản, chở người và các phương tiện sang sông. Tôi vừa đi đăng kiểm phương tiện và đang đợi cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Còn bằng lái thì đang đợi, nếu tổ chức thì sẽ tham dự thi.
Quay trở lại bên kia sông, chúng tôi tiếp tục có mặt tại bến thuyền của anh T. V. H, bản Pậu, xã Tạ Bú. Chúng tôi nhận thấy có 5 người dân cùng 1 chiếc xe tải đang chờ thuyền qua sông. Vừa khởi động máy thuyền, anh H vừa chia sẻ: Gia đình tôi mới mở bến thuyền này từ cuối năm ngoái. Chi phí mở đường xuống bờ sông, góp vốn với 2 hộ mua thuyền to để chở ô tô, tổng kinh phí gần 50 triệu đồng. Người và xe máy qua sông, thu phí 20 nghìn đồng/lượt; các loại xe ô tô con, xe tải, máy công trình thu phí từ 200 - 250 nghìn đồng/lượt, hoạt động 24/24 giờ. Tôi chưa có chứng chỉ lái phương tiện thủy nội địa.
Một bến thuyền ở bản Pậu, xã Tạ Bú do người dân tự ý mở.
Cùng đi trên chuyến thuyền, chị Quàng Thị Nhủm, bản Cá, phường Chiềng An, Thành phố, cho biết: Tôi thường đi giao vật liệu xây dựng cho người dân và công trình ở xã Chiềng Hoa, Chiềng Công, nếu đi đường bộ thì đường rất xa. Từ khi có dịch vụ chở cả xe ô tô và người qua sông, tôi đã chọn đi đường sông từ Tạ Bú lên xã Chiềng Hoa, Chiềng Công để tiết kiệm thời gian. Bởi nếu đi bằng xe máy theo tuyến đường từ xã Chiềng Công - Chiềng San ra trung tâm huyện mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Nhưng nếu đi tuyến đường liên xã Chiềng Công - Chiềng Hoa - Tạ Bú ra trung tâm huyện chỉ mất 1 giờ và thêm 10 - 15 phút đi thuyền.
Giải pháp nào để bảo đảm an toàn?
Tìm hiểu về những bến thuyền tự phát này, chúng tôi có thêm thông tin: Trên địa bàn 2 xã Tạ Bú và Chiềng Hoa hiện có hơn 110 thuyền máy, xuồng máy đang hoạt động. Trong đó, trên 40 thuyền chuyên chở khách có tải trọng từ 4 - 10 tấn chở người cùng xe máy; 4 - 5 thuyền loại lớn tải trọng từ 15 - 20 tấn chở xe ô tô, máy công trình. Hiện, mỗi bên bờ sông có từ 10 - 15 bến thuyền tự phát, trong đó hơn 10 bến mới mở từ 1 - 4 tháng trước. Theo người dân sinh sống gần các bến thuyền, từ năm 2018 đến nay, đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sông, trong đó 2 vụ do lái thuyền đi vào vùng xoáy nước; 1 vụ va phải đá ngầm dưới lòng sông, làm rơi 1 xe máy và hàng hóa, nông sản xuống sông, nhưng chủ thuyền và khách tự thỏa thuận giải quyết.
Khách đi thuyền không mặc áo phao.
Nói về thực trạng việc người dân mở bến thuyền tự phát gia tăng, ông Lò Văn Bước, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú, cho biết: Do dịch bệnh Covid -19 phức tạp, một số lao động từ các tỉnh trở về địa phương chưa có việc làm, nên đã đầu tư mở bến thuyền tự phát trên phần đất vườn, đất nương ven sông của gia đình. Gần đây, bà con còn mở dịch vụ thuyền chở ô tô, máy công trình qua sông; chở học sinh qua sông đi học…
Nhìn thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ đắm thuyền, từ đầu năm đến nay, xã đã nhiều lần cử cán bộ về các bản nắm bắt tình hình việc mở bến thuyền tự phát, kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở bà con không tự ý mở bến thuyền, không chở phương tiện có tải trọng cao, không chở khách qua sông vào ban đêm. Đồng thời, chỉ đạo các bản họp bàn, thống nhất chọn địa điểm phù hợp để làm bến thuyền chung; chủ động nâng cấp, sửa chữa thuyền, mở rộng đường lên - xuống các bến thuyền; trang bị đầy đủ áo phao để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua sông; mời chủ thuyền chở học sinh qua sông lên trụ sở UIBND xã để tuyên truyền, vận động họ thực hiện đúng Luật Giao thông đường thủy nội địa; giải thích rõ những tiềm ẩn nguy hiểm của việc làm này… Thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã và các bản các mức phạt quy định tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/ 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Bến thuyền mới mở tại bản Tả, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La.
Thuyền thiết kế như chiếc phà chở ô tô qua sông tại bến thuyền bản Tả, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La.
Cũng trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, ban hành nhiều công văn chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã tăng cường công tác quản lý đối với phương tiện và người lái phương tiện thủy nội địa. Theo đó, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy, nhất là tại các bến đò, bến tập trung đưa đón học sinh qua sông.
Ông Bắc cho biết thêm: Huyện sẽ đề xuất với các ngành chức năng quy hoạch bến đò ngang; xem xét đầu tư bến phà. Đôn đốc các chủ phương tiện lập thiết kế cho tàu, thuyền đã đóng trước đây khắc phục tồn tại kỹ thuật để được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Thống kê, lập danh sách người dân có nhu cầu được đào tạo, thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa… nhằm giải quyết việc làm cho người dân địa phương, cũng như bảo đảm an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thay cho lời kết
Thực trạng về tình trạng mở bến đò tự phát, hoạt động vận chuyển hành khách và phương tiện qua sông không bảo đảm an toàn diễn ra không chỉ ở Tạ Bú, Chiềng Hoa mà ở nhiều địa phương khác ven dòng sông Đà. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua sông ngành giao thông vận tải, các ngành chức năng và huyện Mường La cần vào cuộc mạnh hơn nữa, nhất là công tác quản lý, kiểm tra an toàn phương tiện. Xử lý các nghiêm hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, sớm khắc phục tình trạng này, vì sự an toàn của người dân.
Bến thuyền tại bản Pậu, xã Tạ Bú, huyện Mường La vừa mở.
Hồng Luận - Trường Sơn
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!