Gần đây có không ít cán bộ, đảng viên bị bắt giam vì tội nhận hối lộ. Thật đáng tiếc, không hiểu do ma lực của đồng tiền hay lòng tham đã khiến một số "quan chức" phải ngã ngựa (!?)
Hình minh họa của Lê Tâm. (Nguồn: cand.com.vn). |
Nói đến ma lực của đồng tiền, bỗng tôi sực nhớ đến tác phẩm văn học nổi tiếng “Đồng hào có ma” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tác phẩm này đã phản ánh về ma lực của đồng tiền và sự tham lam của người đời, ngay cả khi họ ở tầng lớp trên của xã hội nhưng vẫn tham lam, tranh giành những thứ không phải của mình với những người được cho là tầng lớp hạ đẳng của xã hội đương thời. Đến nay, tác phẩm “Đồng hào có ma” đã ra đời gần 90 năm, nhưng nội dung cốt truyện của tác phẩm này dường như vẫn vẹn nguyên tính thời sự.
Tục ngữ có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại” để nói về thế sự, thời thế xoay vần, để răn dạy người đời về phép đối nhân xử thế trong đạo làm quan, làm dân. Ứng xử với cái nhất thời ấy đã vô cùng khó, ứng xử với cái vạn đại kia còn khó hơn nhiều. Ranh giới giữa danh tiếng và tai tiếng quả là mong manh. Mới hôm qua đây còn là cán bộ, đảng viên mẫu mực, là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc về sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, sự gương mẫu đi đầu trong các hoạt động đóng góp cho xã hội… hôm nay đã là tội phạm bị kết án bởi tham ô, tham nhũng… Đúng là “tham thì thâm”. Ôi, trăm cái dại, tại cái tham!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước; Người cho rằng tham ô, lãng phí là “bất liêm”, là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi "ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của Nhân dân", "lấy của công làm của tư", là gian lận, tham lam", "là không tôn trọng của công". "Của công" chính là "mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra" [1].
Tưởng đâu, chỉ khi người ta nghèo khó đến cùng quẫn thì mới nảy sinh trộm, cướp, có vẻ như câu nói cửa miệng trong dân gian “bần hàn sinh đạo tặc” chưa hẳn đã phản ánh đầy đủ các hiện tượng trộm cắp trong xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần đặt câu hỏi: "Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng sao mà tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút, nói nhỏ là chấm mút, còn nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên nữa…”.
Không thiếu những bài học sâu sắc, những cảnh tỉnh về cái giá phải trả rất đắt cho lòng tham và ma lực của đồng tiền, vậy mà vẫn có những cán bộ, đảng viên tiếp tục bị cơ quan công an khởi tố bắt giam. Mới nhất là vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn của “Hậu pháo”, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 1 Bí thư Tỉnh ủy và 2 Chủ tịch UBND tỉnh... Trước đó, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước bị bắt về tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên tới 35 tỷ đồng…
Thật chua xót, dư luận không phải là không có lý khi cho rằng: “Đồng tiền không dạy ta cách làm người, nhưng nó giúp ta làm rõ bản chất của một số người”. Nhận định này ít nhiều đã phản ánh mặt nào đó về cách ứng xử của con người với tiền bạc. Mặc dù không thiếu thốn gì nhưng không ít người vẫn tham lam vô độ, không có điểm dừng, vì tiền họ sẵn sàng bán rẻ cả nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của bản thân. Điều gì đã đem lại sự "hấp dẫn", "sức hút" kỳ lạ đến vậy? Ma lực của đồng tiền hay lòng người vô đáy? Hẳn là đồng tiền có ma thật? Không, chỉ có thể là lòng tham!
Đành rằng, phàm đã là con người, ít nhiều ai chả có tham, sân, si, tuy nhiên cần phải tiết chế lòng tham để bản thân không trở thành nô lệ của những thứ vốn dĩ chưa hẳn đã làm cho con người ta hạnh phúc hơn, ngược lại có khi mang đến khổ đau nhiều hơn. Vì thế, hãy có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, nhân sinh quan: nhìn lên để thấy mình còn thiếu mà cố gắng phấn đấu, nhìn xuống để thấy mình cũng đủ đầy hơn nhiều người. Biết thiếu, biết đủ, âu cũng là hạnh phúc ở đời vậy!
Cổ nhân có câu: Dù cho giàu có đến đâu, cũng như nước dốc qua cầu tràn đi/ Sinh không, tử lại hoàn không - có nghĩa là, con người ta sinh ra không mang theo thứ gì, khi chết đi cũng vậy, cũng chẳng mang theo thứ gì cả. Ngẫm mà thấy thấm thía những điều Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng vẫn nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".
[1] Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.296-297.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!