Nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Mai Sơn có 22 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã, 123 bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,7%... Vì vậy, huyện xác định việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Giọng nữ
Nông dân xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, thu hái chè.

Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đôn đốc UBND các xã, thị trấn theo dõi biến động, cập nhật thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý. Điều tra, làm rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ hộ nghèo còn cao để có hình thức hỗ trợ hiệu quả. Rà soát, đánh giá mức độ khó khăn, khả năng tự làm nhà ở của từng hộ nghèo, có phương án hỗ trợ, phát động các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ.

UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của từng chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia của huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan thường xuyên trao đổi, phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc tham mưu UBND huyện đề xuất cấp trên theo thẩm quyền.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Mai Sơn tiếp tục lồng ghép triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đầu tư trọng điểm, bền vững, trọng tâm là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Từ các nguồn vốn, huyện Mai Sơn xóa được 208 nhà tạm, tổng kinh phí trên 15,7 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 3.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ vùng khó khăn vay vốn với tổng số tiền 112 tỷ đồng. Hỗ trợ, cấp thẻ BHYT hơn 30.000 người; hỗ trợ tiền điện hơn 5.000 hộ nghèo, gia đình chính sách. Tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng nghiệp 13.300 người... Riêng năm 2024, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Mai Sơn được phân bổ trên 75,8 tỷ đồng, đến 17/7, huyện giải ngân thanh toán 28,9 tỷ đồng, đạt 38,2% kế hoạch, đang triển khai 140 công trình, dự án.

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Chiềng Ve đã phân bổ cho các chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng. Xã kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của xã, phân công thành viên phụ trách các bản, phối hợp cùng bí thư chi bộ, trưởng bản sàng lọc, nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu về nguồn vốn, đất sản xuất và khả năng vươn lên thoát nghèo của từng hộ; niêm yết công khai danh sách kết quả rà soát tại nhà văn hóa bản. Bên cạnh đó, UBND xã rà soát các công trình xuống cấp để đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng, sửa chữa.

Ông Tòng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Từ năm 2023 đến nay, xã được phân bổ gần 1 tỷ đồng triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, hoàn thành kiên cố hóa gần 400m mương nội đồng bản Khiềng; sửa chữa hơn 200m đường giao thông bản Sươn Mè - bản Púng; rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ 20 hộ nghèo các bản thiếu đất sản xuất để hưởng chính sách chuyển đổi nghề; hỗ trợ 17 hộ nghèo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị...

Ông Lò Văn Thuận, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khiềng, chia sẻ: Tháng 6/2023, bản được hỗ trợ 380 triệu đồng xây dựng 400m mương và xây đập ngăn nước kiên cố, góp phần đảm bảo tưới tiêu 5,2 ha đất trồng lúa. Đến nay, toàn bộ hệ thống mương nội đồng của bản được kiên cố hóa. Tuy nhiên, bản còn 3 km đường giao thông chưa được bê tông, bản mong tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, tạo động lực, bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Còn tại xã Phiêng Cằm, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, xã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong 3 năm trở lại đây, nông dân trong xã chuyển đổi gần 500 ha đất trồng ngô, lúa nương sang trồng cây chè, cà phê; trồng trên 200 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, mận, hồng, chanh leo, dâu tây... Ông Cầm Văn Bun, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã định hình những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, như cam đường canh, chanh leo. Đặc biệt với cây chè, nhờ tăng cường các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP. Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Phiêng Cằm được đầu tư 4,2 tỷ đồng, bê tông 3,8 km đường liên bản Nong Tầu Mông - Nong Xà Nghè - Huổi Nhả, giúp việc đi lại và giao thương hàng hóa thuận lợi hơn.

Với mục tiêu mỗi năm giảm bình quân 4-5% hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; đến năm 2025, đưa 3 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, huyện Mai Sơn đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo xuất phát từ nhu cầu cộng đồng, hộ nghèo. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân trong việc triển khai các chương trình, dự án, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới