Thuận Châu trồng cây vụ đông

Những ngày này, nhân dân các xã Muội Nọi, Bon Phặng, Tông Lạnh, Chiềng Pấc, Thôm Mòn, Chiềng Ly... đang nhộn nhịp ra đồng gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông, đảm bảo khung thời vụ.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, Thuận Châu gieo trồng 500 ha cây màu các loại. Trong đó, 120 ha ngô; 280 ha rau các loại; 20 ha khoai lang và 80 ha hành, tỏi, đậu tương, lạc... Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, các biện pháp phòng, chống rét, sử dụng phân bón cho các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, giai đoạn sinh trưởng phát triển của từng loại cây. Đồng thời, tăng cường điều tra, dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng; khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra cây trồng vụ đông để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật hại.

 Ruộng rau vụ đông của nông dân xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu.

Tại cánh đồng bản Lạnh, bản Củ, xã Tông Lạnh, nông dân hối hả thu hoạch lúa, làm đất, làm luống để trồng rau vụ đông. Ông Lò Văn Song, bản Củ, cho biết: Gia đình tôi có 8.000 m2 ruộng, nhiều năm nay, tôi duy trì trồng các loại rau bắp cải, cà rốt, tỏi, mùi, cà chua...; các loại cây trồng này đều cho thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nên bán được giá. Năm ngoái, giá bắp cải 6.000 đồng/kg, cà rốt 10.000 đồng/kg, tỏi 30.000 đồng/kg. Năm nay, ngoài diện tích đã có, gia đình tôi đã mượn 200 m² ruộng của người nhà để trồng ngô sinh khối, lấy thức ăn chăn nuôi đại gia súc.

Tông Lạnh là xã có truyền thống trồng cây rau màu vụ đông. Năm nay, xã trồng 62 ha rau và trên 12 ha ngô. Ông Quàng Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Xã có địa hình bằng phẳng, giao thông thuận tiện, nguồn nước sẵn có, đất đai màu mỡ, phù hợp trồng cây rau màu. Bà con lại có kinh nghiệm lâu năm trồng các loại rau màu theo mùa. Sản phẩm rau của địa phương không chỉ bán tại thị trường trong huyện mà còn phục vụ thị trường của các tỉnh miền xuôi, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Đến thời điểm này, bà con đã trồng 34 ha rau màu, 6 ha cây ngô nếp, 4 ha đậu đỗ,  một số diện tích rau xanh trồng sớm đã được thu hoạch.

Nhân dân xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, chăm sóc rau 

Ngoài trồng các loại rau màu truyền thống, mấy năm trở lại đây, các cơ quan chuyên môn của huyện còn tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, ủ chua thức ăn cho đại gia súc; tổ chức các đoàn tham quan mô hình trồng ngô sinh khối tại huyện Mộc Châu. Đồng thời, khuyến khích nhân dân sử dụng các giống ngô phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản để ngô sinh khối trở thành nguồn thức ăn thô xanh chủ động, chất lượng cao, an toàn cho đàn vật nuôi. Thời điểm này, nông dân các xã trong huyện đã trồng trên 60ha ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc.

Gia đình anh Lò Văn Trường, bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, nuôi 20 con bò. Ngoài trồng 30 m² cỏ voi quanh năm, vào vụ đông, gia đình còn trồng 3.000 m² ngô sinh khối để ủ chua làm thức ăn dự trữ quanh năm cho đàn bò. Anh Trường chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, huyện, đã giúp tôi có kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản ngô sinh khối. Từ khi trồng đến khi thu hoạch ngô khoảng hơn 2 tháng, sau đó tôi ủ chua ngô làm thức ăn cho đàn bò vào mùa đông.

Bà con bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, trồng rau vụ đông

Không khí lao động sản xuất trên các cánh đồng tại các xã của huyện Thuận Châu  nhộn nhịp, khẩn trương. Thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi cho việc xuống giống gieo trồng cây vụ đông, tăng thêm niềm tin cho nhân dân về một vụ đông thắng lợi.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới