Khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thành phố Sơn La đã xây dựng các mô hình điểm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, tích cực xúc tiến đầu tư, quảng bá, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nâng cao giá trị sản phẩm.
Gần 5.000 ha cà phê và 4.100 ha mận, xoài, nhãn... là những cây trồng kinh tế chủ lực trên địa bàn Thành phố, trong đó, cà phê chiếm 46% tổng giá trị các loại cây trồng trên địa bàn. Nâng cao chất lượng cây trồng, Thành phố đã rà soát, khuyến khích nông dân thực hiện tái canh, cải tạo cây cà phê; vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh cây cà phê, sử dụng phân hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất...
Đồng thời, phát triển HTX, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cà phê; hỗ trợ xây dựng câu lạc bộ nông dân cùng sở thích, tổ liên kết sản xuất trong quy hoạch kiến thiết vườn cà phê, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, kém hiệu quả. Trong 2 năm qua, Thành phố đã tái canh 50 ha cà phê bằng giống mới, nhiều diện tích cà phê già cỗi được cải tạo.
HTX cà phê Bích Thao, xã Hua La vừa tái canh cây cà phê, cải thiện chất lượng sản phẩm, vừa xây dựng thương hiệu cà phê bột nguyên chất và được đánh giá là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Ông Nguyễn Bích Thao, Giám đốc HTX, cho biết: HTX nghiên cứu, phát triển 18 ha cà phê giống THA1 cho thu hoạch quả, năng suất ước đạt 28 tấn quả tươi/ha, tăng 20-25% so với giống cũ, quả to, chất lượng tốt.
Hằng năm, ngoài thu mua quả tươi cho các thành viên HTX, hợp tác xã còn liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân 2.000-4.000 tấn cà phê nhân/năm. Sản phẩm cà phê của HTX không chỉ được bày bán ở hệ thống siêu thị trong nước, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu, tổng doanh thu đạt trên 60 tỷ/năm. Hiện nay, HTX là đơn vị sản xuất cây giống cà phê THA1 chất lượng, cung cấp cho nông dân địa phương thực hiện tái canh cà phê giống cũ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Đối với các loại cây ăn quả, Thành phố đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ. Trong 2 năm gần đây, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thành phố tổ chức, phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn cho gần 500 học viên về quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Hỗ trợ thực hiện 6 mô hình điểm từ nguồn ngân sách Nhà nước về cải tạo thâm canh quýt, xã Chiềng Cọ; sản xuất mận theo hướng hữu cơ, xã Chiềng Đen; sản xuất xoài theo VietGAP, xã Chiềng Ngần; trồng dứa tại phường Chiềng An; trồng thanh long ruột đỏ, phường Chiềng Sinh; thâm canh cải tạo 5 ha mận, xã Chiềng Cọ.
Nhận thấy mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tại xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần đã có 42 hộ áp dụng trồng, chăm sóc mận, năng suất cải thiện đạt 13 tấn/ha, tăng 30% so với năm 2021, lợi nhuận gần 100 triệu/ha. Mô hình quýt sau cải tạo tại xã Chiềng Cọ chất lượng quả tăng lên, mẫu mã quả đẹp hơn, vỏ quả vàng, sáng, ăn ngọt hơn, không bị khô múi, năng suất quả trung bình 5 tấn/ha, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha...
Ông Lèo Văn Dũng, bản Nong Lọ, xã Chiềng Đen trồng 1 ha mận tam hoa từ năm 2016. Cây mận phát triển tự nhiên bị nhiều sâu bệnh, quả nhỏ. Đăng ký mô hình cải tạo, chăm sóc mận theo hướng hữu cơ do Thành phố triển khai, ông Dũng cho biết: Gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa cành, hạ tán, tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng, hạn chế sâu bệnh; chuyển đổi sang sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho mận. Nhờ đó, cây mận phát triển tốt, quả to và sai quả. Vụ mận năm nay, gia đình thu khoảng 20 tấn quả, cao gấp 1,5 lần so với khi chưa thực hiện cải tạo.
Việc phát triển sản xuất đồng bộ, gắn kết theo chuỗi giá trị, cũng được Thành phố tập trung triển khai từ năm 2020 đến nay, đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp, HTX chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 5 HTX thiết kế nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; phát triển thêm 6 sản phẩm OCOP địa phương. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn cho trên 50 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, các nền tảng số (facebook, zalo) và tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Shopee, tiki, Voso, Vietel Post. Hỗ trợ 2 đơn vị xây dựng website thương mại điện tử để giới thiệu quảng bá sản phẩm; đưa 50 sản phẩm của 11 đơn vị kinh doanh lên sàn thương mại điện tử Voso.vn.
Nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa, gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, thành phố phấn đấu đến năm 2025, có thêm 2 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh; hỗ trợ xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 2 doanh nghiệp, HTX; nhân rộng mô hình mận hữu cơ xã Chiềng Đen; cải tạo quýt xã Chiềng Cọ; trồng tái canh, ghép cải tạo từ 40-50 ha cây cà phê giống mới, góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!