Sốp Cộp vào vụ thu hoạch cam

Những ngày này, các hộ gia đình, nhà vườn, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Sốp Cộp bắt đầu vào vụ thu hoạch cam. Theo đánh giá, sản lượng vụ cam năm nay tăng do diện tích trồng mới bắt đầu cho thu hoạch, giá bán đầu mùa từ 25-30 nghìn đồng/kg.

Giọng nữ
Vườn cam của hộ dân xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, vào vụ thu hoạch.

Huyện Sốp Cộp đang có gần 370 ha trồng cam, tập trung ở các xã: Mường Và, Mường Lạn, Nậm Lạnh… Sản lượng cam ước đạt trên 600 tấn quả. Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Từ lâu, cam đã là cây trồng chủ lực của một số xã trong huyện. Ngay sau khi kết thúc vụ cam năm 2023, phòng đã phối hợp với các xã tiến hành chăm sóc sau thu hoạch và chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nhân dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật; nắm bắt tình hình sâu bệnh trên cây cam để có hướng xử lý; mở rộng diện tích trồng theo hướng VietGAP. Khuyến khích, vận động nông dân liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng cam để thuận lợi trong quá trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, huyện vận động nhân dân đưa sản phẩm đến các hội chợ thương mại, các sự kiện trong và ngoài tỉnh tổ chức; chủ động liên hệ với các cửa hàng quảng cáo để thiết kế vỏ hộp đựng sản phẩm, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng. Sản phẩm cam được tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái trong huyện; một số hộ đã bắt nhịp với xu hướng thời đại công nghệ 4.0, quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm kinh doanh, bước đầu mang lại hiệu quả.

Mường Và là xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện, với trên 140 ha. Trong đó, gần 60 ha cho thu hoạch, bà con trồng chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2. Đối với cây cam Nà Mòn, nhiều năm qua, nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng tăng nên xã đã khuyến khích bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng giống cam này. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bám sát địa bàn, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, góp phần củng cố vị thế sản phẩm cam Nà Mòn trên thị trường. Thành lập 2 HTX nông nghiệp Cầm Vinh, bản Tặc Tè và HTX nông nghiệp Duy Lợi, bản Nà Mòn, để đảm bảo thuận lợi trong sản xuất và việc tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, thu hoạch cam.

Ông Lò Văn Dượng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà Mòn, xã Mường Và, cho hay: Bản có 50 hộ trồng hơn 40 ha cam, trong đó trên 22 ha cho thu hoạch. Ngay từ đầu tháng 10, thương lái đã tìm đến các hộ dân đặt trước để thu mua cam. Giá bán đầu mùa cao hơn mọi năm, trung bình từ 25-30 nghìn đồng/kg. Dự kiến năm nay, cam đạt năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha. Cây cam đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính, giúp nhân dân trong bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đến thăm vườn cam gia đình ông Vì Văn Thuận, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, đúng lúc ông đang cắt những quả cam chín đầu mùa. Ông Thuận cho biết: Cây cam ở đây được chia làm 2 đợt thu hoạch. Đợt 1 từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11 đối với giống cam V2, cam lòng vàng; đợt 2 thu hoạch từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 1 năm sau đối với giống cam đường canh. Gia đình có 0,5 ha trồng cam lòng vàng và cam V2, dự kiến năm nay sản lượng đạt trên 4,5 tấn quả, chủ yếu bán cho thương lái trong huyện. Từ năm 2022, gia đình đã trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP, vì vậy quả có hơi rám, không được đẹp mã, tuy nhiên, chất lượng tốt nên dễ bán. Nhiều năm qua, các loại cam có giá thành ổn định từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Với giá cam ổn định như hiện nay, nông dân huyện Sốp Cộp sẽ có nguồn thu đáng kể từ cây cam. Điều này khuyến khích bà con tiếp tục đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu các giống cam trên địa bàn.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới