Năm 2024 khép lại, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, song nông nghiệp Mai Sơn vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật, trở thành điểm sáng của tỉnh về phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.
Huyện Mai Sơn hiện có trên 49.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, huyện đã triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên phát triển về cây ăn quả, rau màu, cây công nghiệp.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Đồng thời, phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của người dân, năm 2024, huyện Mai Sơn duy trì 49.880 ha cây trồng các loại, tăng 3,1% so với kế hoạch. Có 11.500 ha cây ăn quả các loại; sản lượng quả đạt trên 80.000 tấn/năm. Trong năm, huyện có thêm 1 vùng xoài tại xã Hát Lót được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng lên toàn huyện có 4 vùng cà phê, na và xoài được công nhận ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 1.773 ha, quy mô 2.333 hộ gia đình tham gia; trên 5.400 ha cây trồng chăm sóc theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 2.700 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ... Bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt 92,3 triệu đồng, tăng 5% so với năm 2023.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, xã Cò Nòi đã tổ chức quy hoạch diện tích đất sản xuất, khuyến khích bà con nông dân liên kết sản xuất tập trung, thành lập các HTX chuyên canh na, dâu tây, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Ban đầu, việc trồng na, dâu tây chỉ phát triển ở một số bản, tiểu khu, đến nay, hầu hết các bản đều trồng, với tổng diện tích 475 ha dâu tây, 790 ha na.
Ông Lò Văn Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, chia sẻ: Áp dụng công nghệ cao vào trồng na và dâu tây cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha. Hiện nay, xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ liên kết sản xuất tập trung; thành lập các tổ hợp tác và HTX chuyên canh; tư vấn cho nông dân thay đổi thói quen canh tác, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Đến nay, trên địa bàn xã đã có vùng na được công nhận vùng sản xuất công nghệ cao.
Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Mai Sơn là phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 9.860 ha liên kết sản xuất, gồm: Vùng nguyên liệu rau, củ, quả, vùng nguyên liệu sắn, cà phê, mía đường, mắc ca... chiếm 20% tổng diện tích gieo trồng.
Ông Hoàng Hữu Phong, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, thông tin: Bên cạnh việc tập trung phát triển cây ăn quả tại các bản vùng thấp, từ năm 2017 đến nay, xã đã vận động 275 hộ dân tại các bản vùng cao liên kết với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La trồng 236 ha mía nguyên liệu. Tham gia liên kết trồng mía, người dân được Công ty hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thỏa thuận giá thu mua cụ thể. Từ khi trồng mía, thu nhập trên cùng đơn vị diện tích tăng lên so với các loại cây trồng trước.
Thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mai Sơn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt và tương đương; chuyển dịch cơ cấu cây trồng phát huy lợi thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đẩy mạnh lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản; tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn, đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!