Hướng phát triển kinh tế ở vùng cao Pá Lông

Pá Lông là một trong 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu. Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, Pá Lông đối mặt với những thách thức lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Trước thực trạng đó, xã đang nỗ lực tìm hướng đi để giúp nhân dân thoát nghèo.

Trung tâm xã Pá Lông, huyện Thuận Châu.

Pá Lông có 8 bản, 659 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản không thuận tiện; xã đang đề nghị Nhà nước đầu tư làm đường bê tông về các bản và nâng cấp đường đến trung tâm xã. Về xây dựng nông thôn mới, xã đạt 5/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo còn trên 55%. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, nhất là vào mùa khô, luôn xảy ra. Nhân dân thiếu kiến thức sản xuất... Khắc phục những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang nỗ lực tìm hướng chuyển đổi phương thức sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Năm 2023, Pá Lông có 667 ha gieo trồng cây lương thực, sản lượng ước đạt 1.912 tấn. Nhân dân duy trì chăm sóc 126 ha sơn tra, sản lượng ước đạt 250 tấn; xã đã quy hoạch 30 ha cây ăn quả; toàn xã có 3 ha cây cà phê mới trồng. Bà con còn chăn nuôi hơn 3.500 con gia súc, trên 12.300 con gia cầm. Bên cạnh đó, nhân dân trong xã duy trì chăm sóc, bảo vệ gần 590 ha rừng phòng hộ. Xã được hỗ trợ trồng 2 ha cây khôi nhung tại 2 bản. Đã có một số nhà đầu tư đã lên nghiên cứu trồng cây dược liệu khác ngoài cây khôi nhung. Tạo điều kiện cho chương trình này, xã đã giao chỉ tiêu trồng 1.000 cây phân tán cho các bản, đến nay, nhân dân các bản đang trong quá trình thực hiện. Hỗ trợ nhân dân có thêm có thu nhập, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn, liên kết thành lập HTX nấu rượu sơn tra.

Ông Trá Chua Và, Chủ tịch UBND xã Pá Lông, cho biết: Hiện nay, xã đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, rà soát 200 hộ nghèo để thực hiện mô hình chuỗi nuôi bò sinh sản để triển khai trong năm nay. Chúng tôi nhận thấy, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với cây cà phê, nhưng nhân dân đang trồng tự phát cây trồng này, chưa áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Gừng sừng trâu cũng là loại cây phù hợp, 1 gốc có thể cho hơn 10 kg củ, tuy nhiên, mới có gần 1ha, trồng rải rác ở một số bản.

Cùng cán bộ xã đến khu đất sản xuất của dân bản Pá Ný, bản hiện có 85 hộ, 4 hộ trong bản trồng khoảng 3 ha cà phê; trong đó, 3 hộ đang trồng thử nghiệm, 1 hộ đã thu hoạch được 3 vụ. Ông Chá Chứ Sùng, bản Pá Ný, cho biết: Gia đình tôi đầu tư hơn 6 triệu đồng mua giống cà phê trồng trên 8.000 m2 từ 5 năm nay. Tôi chỉ dùng phân trâu, bò, do gia đình tự đi lấy, nhưng cũng chỉ bón được năm đầu tiên. Gia đình tôi đã thu hoạch được 3 vụ, mỗi vụ thu lãi 17-18 triệu đồng. Sang năm, gia đình có dự định chuyển 1ha trồng ngô sang trồng cây cà phê. Chúng tôi rất muốn được hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cấp tuyến đường liên xã, liên bản để nông sản đảm bảo chất lượng và vận chuyển thuận lợi hơn.

Giúp nhân dân có vốn phát triển kinh tế, từ đầu năm đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể của xã đứng ra nhận ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cho các hội viên vay vốn với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng. Hướng dẫn các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu là mua con giống, vật nuôi và mua máy móc phục vụ sản xuất...

Khắc phục những khó khăn về giao thông, năm 2023, xã được huyện cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng 3 công trình. Trong đó, 2 công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đang trình HĐND xã ban hành nghị quyết giao UBND xã thực hiện; 1 công trình giao cho các bản tự duy tu bảo dưỡng đường từ các bản đến trung tâm xã. Ngoài ra, xã đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện vận động nhân dân hiến đất và đối ứng kinh phí thi công 3 tuyến đường vào bản Tinh Lá, Pá Ný, bản Tịa. Hiện nay, tuyến đường bản Tịa đã thi công xong; tuyến đi bản Tinh Lá đã hoàn thành giải phóng phần nền và đang đổ bê tông; tuyến đi bản Pá Ný đã phá tuyến 50%. 

Ông Trá Chua Và cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng diện tích cà phê, gừng sừng trâu và đưa một số cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất. Tiếp tục kiến nghị với các cấp nâng cấp tuyến đường vào trung tâm xã, tuyến giao thông liên bản; xây dựng một số công trình nước để phục vụ việc sản xuất của nhân dân.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết, xã Pá Lông đang nỗ lực cùng nhân dân trong xã phát triển sản xuất. Trong quá trình đó, rất mong các cấp chính quyền, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, tạo việc làm, tạo ra môi trường thuận lợi để nhân dân xã vùng cao này thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới