Đặc sản khoai sọ mán Vân Hồ

Với hương vị thơm, dẻo, bùi ngậy, khoai sọ mán là đặc sản riêng, huyện Vân Hồ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, quy hoạch vùng sản xuất khoai sọ tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường.

Giọng nữ
Khoai sọ mán đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân xã Vân Hồ.

Xã Vân Hồ có hơn 20 ha khoai sọ mán, được trồng chủ yếu tại bản Suối Lìn và các bản Thuông Cuông, Bó Nhàng, Chiềng Đi... Khoai sọ nơi đây có thân chính phình to và mọc thêm từ 5 đến 7 nhánh, nhìn giống như bàn chân voi, nên còn được gọi là khoai chân voi; khoai được trồng vào tháng 12 âm lịch hằng năm và thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm sau; mỗi củ có trọng lượng trung bình từ 400-600 gram, ruột khoai màu trắng mịn, khi nấu chín ăn rất thơm và bở.

Bản Suối Lìn có 20 hộ trồng khoai sọ mán với diện tích gần 8 ha, thời điểm này, nhiều hộ dân trong bản đang bắt đầu thu hoạch khoai sọ. Ông Đặng Văn Phong, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Suối Lìn, cho biết: Năm nay, khoai sọ mán cho năng suất từ 5,5-6 tấn/ha, giá bán khoảng 25.000 đồng/kg. Các hộ dân rất phấn khởi vì thu hoạch đến đâu đều được thu mua hết. Những năm gần đây, được các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh hỗ trợ thực hiện các mô hình đã đưa giống khoai sọ bản địa trở thành thương hiệu nông sản đặc trưng, nhờ vậy diện tích trồng khoai sọ ngày càng được mở rộng, đầu ra tương đối ổn định, giúp nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Năm 2023, ông Đặng Văn Vinh, bản Suối Lìn thu trên 100 triệu đồng từ khoai sọ mán. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, năm nay, ông tiếp tục trồng thêm 2.000 m2 khoai sọ. Chia sẻ về loại cây trồng này, ông Vinh nói: Gia đình tôi hiện trồng gần 1 ha khoai sọ mán, từ đầu tháng 9 đến nay đã thu hoạch được khoảng 2,7 tấn, thu về gần 70 triệu đồng. Thời tiết ở Vân Hồ mưa nhiều, độ ẩm cao nên trồng khoai sọ rất phù hợp, song cần phải thường xuyên vun xới đất, làm sạch cỏ dại và kiểm tra sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ.

Từ năm 2017-2019, bản Suối Lìn được Trường cao đẳng Sơn La triển khai thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống khoai sọ mán theo hướng sản xuất hàng hóa”, nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác giúp nâng cao năng suất và chất lượng của giống khoai sọ bản địa. Đến năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ tiếp tục hỗ trợ phân bón, giống và vật tư cho 7 hộ dân của bản Suối Lìn thực hiện nhân rộng mô hình diện tích khoai sọ mán.

Bà Mùi Thị Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, thông tin: Qua đánh giá, chi phí đầu tư cho 1 ha khoai sọ chỉ khoảng 17 triệu đồng, nhưng có thể mang lại lợi nhuận trên 90 triệu đồng. Với chi phí sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại cao, khoai sọ mán đang là cây trồng giúp nhiều hộ dân của bản Suối Lìn và xã Vân Hồ làm giàu. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hộ dân trong việc tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao trình độ canh tác, tăng cường thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng thương hiệu khoai sọ mán Vân Hồ trở thành sản phẩm OCOP.

Khoai sọ mán Vân Hồ thu hoạch vào thời điểm chớm đông, cũng là lúc du lịch Vân Hồ vào mùa đón khách. Những món ngon từ khoai sọ như: Canh khoai hầm xương nấu rau cải; khoai sọ nướng than củi chấm đường... được các chủ nhà hàng, homestay chế biến, mang hương vị thơm ngon, bùi dẻo khiến du khách thích và lựa chọn mua về làm quà biếu.

Từ nay đến năm 2025, huyện Vân Hồ dự kiến phát triển thêm 2,5 ha khoai sọ mán tại các bản Thuông Cuông, Bó Nhàng, xã Vân Hồ và các xã lân cận, như: Tô Múa, Lóng Luông. Đồng thời, vận động các hộ dân xây dựng, thành lập tổ hợp tác trồng khoai sọ mán, phát triển diện tích trên cơ sở hợp đồng liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tăng cường quảng bá, giới thiệu nâng cao giá trị sản phẩm khoai sọ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới