Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng về tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”- một chiến sĩ tiên phong, người Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
|
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) - quê hương của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892) nổi danh trong cả nước.
Phát huy truyền thống của gia đình và quê hương, đồng chí Tô Hiệu tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1926, đồng chí tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh khi học tại thị xã Hải Dương, vì vậy bị đuổi học.
Năm 1927-1929, đồng chí lên Hà Nội, ở nhà anh cả Tô Tu, tiếp tục đi học, tích cực tham gia hoạt động trong tổ chức yêu nước cách mạng. Cuối năm 1929, vào Sài Gòn hoạt động yêu nước cùng với người anh Tô Chấn.
Năm 1930, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đầy đi Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, tích cực học tập lý luận cách mạng, được bồi dưỡng trở thành đảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết và có bản lĩnh vững vàng.
Thời kỳ 1934 - 1939, đồng chí mãn hạn tù Côn Đảo về, bị thực dân Pháp quản thúc tại làng Xuân Cầu, nhưng đồng chí không chịu khuất phục, tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng phát động, được bầu làm Thương vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.
Năm 1936 - 1937, đồng chí tham gia chỉ đạo phong trào ở Hà Nội và một số tỉnh. Năm 1938-1939, được điều về đặc trách Bí thư Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương và Hưng Yên) kiêm Bi thư Thành ủy Hải Phòng, đã đưa phong trào ở đây lên rất cao.
Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, kẻ thù đã tra tấn da man, ra sức mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí, chúng kết án 5 năm tù và đầy đồng chí lên Nhà tù Sơn La. Những ngày bị giam cầm, mặc dù đói, rét, bệnh tật, đòn roi dã man của kẻ thù chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của đồng chí, mà trái lại, còn hun đúc thêm ý chí gang thép của người cộng sản.
Từ yêu cầu cấp bách phải thành lập một chi bộ cộng sản để lãnh đạo, tổ chức đấu tranh trong ngục tù, tháng 12/1939, Chi bộ lâm thời nhà tù được thành lập. Đến tháng 5/1940, Chi bộ nhà tù Sơn La bí mật tổ chức Đại hội lần thứ nhất, quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Với tư cách là hạt nhân lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong và ngoài nhà tù, Chi bộ nhà tù Sơn La đã quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân; tổ chức dạy, huấn luyện quân sự; biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; giáo dục, động viên, tổ chức mọi người đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu, hành động tàn bạo của kẻ thù.
Tháng 5/1941, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định xuất bản tờ báo Suối Reo. Đây là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La.
Là Trưởng Ban huấn luyện, đào tạo của Chi bộ, mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Cũng chính những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, đồng chí Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim.
Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, anh em. Chi bộ nhà tù đã kịp thời chỉ đạo anh em đi lao động bên ngoài nhà tù khắc tấm bia đá có chữ “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ của đồng chí. Nhờ đó, năm 1980, khi khai quật nghĩa địa Gốc Ổi đã xác định chính xác phần mộ của liệt sĩ Tô Hiệu.
Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến cho dân tộc, cho cách mạng thật to lớn. Cây đào mang tên Tô Hiệu tại vách tường Nhà tù Sơn La ngày nay đã trở thành biểu tượng, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tại Nhà ngục Sơn La, truyền lửa cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương, đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!