Những năm gần đây, khai thác tiềm năng lợi thế của lòng hồ thủy điện Sơn La, nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai đang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân... Bên cạnh việc phát triển về số lượng, sản lượng lồng cá thì chất lượng sản phẩm đang được huyện Quỳnh Nhai đặc biệt quan tâm, hướng tới phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững.
Mô hình nuôi cá lồng của HTX Thủy sản Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).
Huyện Quỳnh Nhai đang có hơn 10.500 ha mặt nước, đây là tiềm năng để huyện phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, huyện Quỳnh Nhai có gần 50 HTX thủy sản với trên 6.800 lồng nuôi cá. Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản cả năm 2017 đạt 1.565 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi 1.025 tấn; sản lượng khai thác đánh bắt 540 tấn. Thương hiệu cá lòng hồ Sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai bước đầu được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ với khối lượng lớn, kể cả nguồn thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi trong lồng, được thu gom vận chuyển tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Có thể nói phát triển nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven lòng hồ thủy điện Sơn La.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của gia đình ông Lò Văn Khặn, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).
Để giúp người dân phát triển cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản; cũng như tích cực giao mặt nước cho các hộ dân nuôi cá lồng…
Mô hình nuôi cá lồng của HTX vận tải Hợp Lực tại xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai).
Mô hình nuôi cá lồng của HTX nuôi trồng nông lâm thủy sản Giang Lò, xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai).
Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập Tổ tư vấn thuỷ sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các HTX, tìm một số đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các HTX; vận động, hỗ trợ, định hướng các HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP; phát huy vai trò của Liên hiệp HTX thủy sản để liên kết các HTX hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến chăm sóc, bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất của các HTX phải thực hiện theo hình thức gối vụ để luôn đảm bảo số lượng, chất lượng cung cấp ra thị trường. Huyện đang hỗ trợ Liên hiệp HTX thủy sản của huyện xây dựng nhà sơ chế, bảo quản cá để đóng gói sản phẩm gửi đi các tỉnh; xây dựng thương hiệu cá sông Đà, đưa sản phẩm cá sông Đà tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!