Tự hào vùng quê Anh hùng

Những ngày này, mỗi người dân Mường La thêm tự hào về những đổi thay của vùng quê cách mạng sau chặng đường 70 năm kể từ ngày giành chính quyền, giải phóng quê hương, ngày 22/11/1952. Tiếp bước truyền thống vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện nỗ lực phấn đấu giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực, xây dựng quê hương vững bước phát triển.

Nhân dân xã Mường Bú, huyện Mường La đóng gói xoài xuất khẩu.

Những mốc son lịch sử

Ngược dòng lịch sử, ngày 15/6/1949, đồng chí Trần Quyết thay mặt Tỉnh ủy đến lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm, trực tiếp trao cờ cho đội Chiến Thắng và công bố Quyết định thành lập Huyện ủy Mường La, do đồng chí Hoàng Cầm La làm Bí thư, sự kiện này đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện.

Khi tiếng súng của chiến dịch Tây Bắc vang lên, cùng với nhân dân trong tỉnh, nhân dân các dân tộc huyện Mường La nhất tề đứng lên chiến đấu để giải phóng quê hương. 4 giờ sáng ngày 20/10/1952, lực lượng vũ trang Mường La phối hợp với một mũi tiến công của Tiểu đoàn 115, thuộc Sư đoàn 308, do đồng chí Nguyễn Ngọc Châu chỉ huy, xuất phát từ Ngọc Chiến đánh chiếm đồn Ít Ong. Trước sự tấn công quyết liệt của ta, địch hoảng sợ bỏ chạy, Ít Ong được giải phóng. Hiệp đồng với các đơn vị bộ đội, lực lượng dân quân du kích trong huyện tích cực truy lùng tàn binh, thu dọn chiến trường, bảo vệ an ninh, tham gia củng cố chính quyền ở vùng mới giải phóng. Ngày 22/11/1952, huyện Mường La hoàn toàn giải phóng.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân Mường La vừa sản xuất vừa chiến đấu, cung cấp sức, người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Đã có hàng nghìn thanh niên ưu tú tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gia nhập thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến. Toàn huyện đã góp được hàng nghìn tấn lương thực, hàng trăm nghìn ngày công vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Huyện Mường La đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chung sức, đồng lòng bứt phá vươn lên

Sau ngày giải phóng, huyện Mường La bước vào trận tuyến mới - trận chiến với đói nghèo, lạc hậu. Đảng bộ huyện luôn giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện nhân dân trên con đường phát triển. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 16 đảng bộ xã, thị trấn; 2 đảng bộ lực lượng vũ trang; 2 đảng bộ khối cơ quan; 15 chi bộ cơ sở; 311 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số trên 6.340 đảng viên.

Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết: Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ đạo nhân dân vùng trung tâm cụm xã và thị trấn Ít Ong phát triển thương mại, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Các xã dọc sông Đà và vùng phụ cận trồng cây cao su, ngô, sắn, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Các xã vùng cao chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu, trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Xuất phát điểm là một huyện miền núi nghèo, lạc hậu, Mường La đã bứt phá vươn lên, với tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm đạt khá, huyện đã thoát nghèo vào tháng 3/2022.

Trong chặng đường phát triển, dấu ấn quan trọng tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện, đó là năm 2005, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng công trình thủy điện Sơn La - Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, đứng chân trên địa bàn thị trấn Ít Ong, có công suất 2.400 MW. Tất cả vì dòng điện của Tổ quốc, huyện Mường La đã thực hiện một cuộc đại di dân, với 3.527 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới. Đến nay, tại 42 điểm TĐC đã được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đúng quy hoạch, người dân yên tâm phát triển kinh tế và có cuộc sống mới trên quê hương thứ hai.

Khai thác tiềm năng, lợi thế, nhân dân các xã đã trồng được trên 5.850 ha cây ăn quả các loại, gồm mận hậu, nhãn, xoài, chuối, sản lượng bình quân đạt gần 20.000 tấn quả/năm. Trong đó, nhiều diện tích được áp dụng quy trình VietGAP và sản xuất theo hướng an toàn, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, Mường La đã có 8 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; số mã vùng trồng 20 mã (12 mã chuối, 3 mã nhãn, 5 mã xoài); 700 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm (2 chuỗi cây sơn tra; 2 chuỗi cây mận; 3 chuỗi cây xoài). Thị trường tiêu thụ sản phẩm quả các loại được mở rộng đến các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài, với hàng nghìn tấn/năm. Vùng cao có hơn 2.229 ha cây sơn tra, trên 491,3 ha cây thảo quả, 33 ha cây sa nhân. Đầu ra của sản phẩm ổn định, bà con các xã vùng cao yên tâm mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập.

Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng quy mô đàn. Bước đầu hình thành mô hình chăn nuôi tập trung, trang trại, với trên 609.000 con gia súc, gia cầm các loại. Cùng với đó, khai thác lợi thế về diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện đã chỉ đạo các xã vùng lòng hồ đầu tư nuôi 998 lồng cá, hàng năm sản lượng, đánh bắt, nuôi trồng đạt gần 850 tấn cá.

Về Mường La hôm nay, điều dễ nhận thấy là, cuộc sống mới đang hiện hữu trên các bản làng từ vùng trung tâm đến các xã vùng cao, vùng ven sông Đà. Hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông; trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học tại các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng khang trang. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 16/16 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS; 19 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trên 90% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sạch sinh hoạt... Toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những thành quả đạt được sẽ là động lực để Mường La bứt phá vươn lên.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới