Ký ức Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi về xã Mường Bú, huyện Mường La, gặp những cựu thanh niên xung phong, người lính Điện Biên năm xưa. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong ký ức của các cựu chiến binh không bao giờ quên những tháng năm hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là cựu chiến binh Lê Thúy Uyên, sinh năm 1932, ở tiểu khu 1, xã Mường Bú. Trong câu chuyện, ông Uyên kể cho chúng tôi nghe về thời gian tham gia nhập ngũ năm 1949 ở Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Đơn vị nhận được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cả đơn vị hành quân đi bộ từ Diễn Châu, Nghệ An trong suốt một tháng trời, mỗi chiến sỹ mang trên vai súng đạn kèm theo 10kg gạo, vượt qua mọi khó khăn gian nan mới đến được trận địa cứ điểm. 

Đại đoàn 304 được Bộ Chỉ huy mặt trận chọn giao nhiệm vụ tấn công vào cứ điểm Hồng Cúm, là trận đánh quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu trong trận này là bao vây cô lập Hồng Cúm, để ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho phân khu trung tâm hoặc phá vây chạy sang Lào.

Cựu chiến binh Lê Thúy Uyên kể cho cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Mường Bú nghe về ký ức tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo lời ông kể: Vinh dự lớn lao, nhưng cũng khó khăn, thử thách, bởi thời điểm ấy, thực dân Pháp đã xây dựng xong Tập đoàn cứ điểm dựa lưng vào nhau, có bãi dây thép gai và mìn dày dày đặc, đã tổ chức lưới lửa đạn dày đặc và chặt chẽ, có pháo binh mạnh, xe tăng vận động, yểm hộ. Bởi vậy, muốn cắt đứt Hồng Cúm ra khỏi Mường Thanh, đơn vị phải "quần nhau" với địch giữa cánh đồng bằng phẳng dưới tầm hỏa pháo dày đặc và các loại máy bay chiến đấu của Pháp.

Cựu chiến binh Lê Thúy Uyên kể cho con cháu nghe về kỷ niệm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Nhấp ngụm nước chè, ông Uyên kể tiếp: Quá trình chiến đấu đơn vị và bản thân gặp nhiều khó khăn gian khổ, ăn đói, mặc rách, không kể ngày đêm vừa đào giao thông hào vừa đánh địch, tuy nhiên với tinh thần quyết thắng, toàn đơn vị quyết tâm đồng lòng, đánh thắng kẻ thù, chiếm được cứ điểm.

Trong chiến dịch, các chiến sĩ dùng súng trường, súng máy, sơn pháo, súng cối lớn nhỏ sẵn sàng chờ quân Pháp xuất hiện là bắn. Sau nhiều lần bị đánh lừa, ban ngày quân Pháp không dám nhô đầu lên khỏi chiến hào, đại đoàn đã thu được nhiều viên đạn pháo, viên đạn súng cối, hàng tấn đạn các cỡ khác, hàng chục tấn lương thực, thuốc men, và diệt nhiều lính Pháp. Trong quá trình chiến đấu, nhiều chiến sỹ trong đại đoàn hy sinh, phải chôn tập thể, bản thân trong quá trình tham gia trận chiến bị sức ép của pháo tôi bị thương ở lưng. 

Cựu thanh niên xung phong Cà Văn Hảy kể về ký ức tham gia đảm bảo giao thông đèo Chẹn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chia tay chiến sĩ Điện Biên Lê Thúy Uyên, chúng tôi tiếp tục tìm gặp cựu thanh niên xung phong Cà Văn Hảy, sinh năm 1933, ở bản Sang, xã Mường Bú. Năm nay đã bước sang tuổi 91, sức khỏe suy giảm nhiều, nhưng ông vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi đóng góp của ông và đồng đội trong những ngày tháng lịch sử đảm bảo giao thông đèo Chẹn, thuộc xã Hua Nhàn, Bắc Yên.

Ông Hảy kể: Ngày chúng tôi đi, thanh niên ai cũng mang trong mình tinh thần nhiệt huyết, hăng hái muốn góp công góp sức để những chuyến xe ra tiền tuyến được thuận lợi hơn, chúng tôi bắt đầu di chuyển đến đèo Chẹn, huyện Bắc Yên để thực hiện nhiệm vụ mở rộng mặt đường. Đây là một điểm trọng yếu trên đường vận chuyển của quân ta, quân Pháp thường xuyên cho máy bay do thám và thả bom đánh phá, nên chúng tôi làm cả ngày, đêm để tránh máy bay giặc phát hiện. Buổi sáng, chúng tôi phải dùng ngụy trang vừa phá đá, mở đường cho vũ khí, lương thực, quân đội đi theo tuyến đường di chuyển lên chiến dịch.

Cũng theo lời ông Hảy: Ngày đó gian khổ nhất là việc không đủ lương thực thực phẩm để ăn uống hàng ngày. Những khi bị tắc đường hàng tháng trời, lương thực không chuyển lên kịp, mọi người chỉ còn cách vào rừng đào củ mài về để ăn thay cơm. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề, sức khỏe không đảm bảo nhưng mọi người vẫn hăng hái lao động với sự quyết tâm cao nhất để đảm bảo cho xe lăn bánh hướng tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng đội tôi trong quá trình thông đường, nhiều thanh niên đã vĩnh viễn ở lại với con đường, nhiều người bị thương tật vì tai nạn lao động, nhưng thật tự hào, vì chúng tôi đã góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên.

Trên địa bàn xã Mường Bú, hiện chỉ còn ông Uyên và ông Hảy là hai nhân chứng còn sống trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Song với những người ở lại, ký ức về những năm tháng chiến đấu hi sinh, gian khổ nhưng hào hùng còn mãi lắng đọng. Những ký ức ấy được truyền lại, trở thành tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu, nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, viết thêm những trang sử hào hùng của dân tộc.

Thủy Ngân (Ghi theo lời kể nhân vật)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới