Ngày 22/11, Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm giải phóng tỉnh Sơn La (22/11/1952 - 22/11/2022) - Thành tựu, thời cơ, thách thức và định hướng phát triển”.
Các đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La; Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an; Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương; Viện Lịch sử quân sự và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các nhân chứng lịch sử; các nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, khẳng định: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Tây Bắc, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thành công. Chiến thắng Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến dịch lịch sử quan trọng này, vào ngày 22/11/1952, tỉnh Sơn La được giải phóng, đặt dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của tỉnh nhà.
Sau 70 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tích đáng tự hào, xây dựng Sơn La ngày càng giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước.
Nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, đề xuất giải pháp khắc phục mọi khó khăn thách thức, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La “xanh, nhanh, bền vững”, tại cuộc Hội thảo, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử với tinh thần khách quan, khoa học, tiếp tục phân tích làm sâu sắc hơn quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân tỉnh Sơn La. Nêu bật thành tựu, đóng góp vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ, quân và dân Sơn La. Đồng thời, làm rõ tiềm năng, lợi thế, thời cơ và đưa ra các giải pháp xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Mở đầu các tham luận, đồng chí Tòng Thị Phóng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tham luận nội dung "Giải phóng Sơn La - Khởi đầu cho hành trình 70 năm xây dựng và phát triển”.
Ngày 14/10/1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn. Sau hơn tháng tiến công, một vùng rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu đến Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La lần lượt được giải phóng. Trước sức tiến công mạnh mẽ của các lực lượng chủ lực, làm cho địch hoang mang dữ dội, khoảng 11 giờ ngày 22/11/1952, Tiểu đoàn 115 đã tiến quân vào tỉnh lỵ Sơn La, mục tiêu giải phóng Sơn La hoàn thành thắng lợi. Đây là mốc son lịch sử, là kết quả tất yếu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh Sơn La, cùng với sự đồng thuận, nỗ lực và ý chí quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đây, nhân dân các dân tộc Sơn La thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai, vững bước trên con đường xây dựng đời sống mới.
Thắng lợi đó, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, của Tổng quân ủy và Bộ tư lệnh, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang; là sức mạnh đại đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của nhân dân các dân tộc Sơn La; khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của mỗi cán bộ, đảng viên đã vận dụng sáng tạo đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng Sơn La. Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đưa Sơn La từ một tỉnh còn nhiều khó khăn thời kỳ sau giải phóng trở thành tỉnh đứng thứ 5 trong 14 tỉnh thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tin rằng với ý chí cách mạng kiên cường, không cam chịu đói, nghèo, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Sơn La sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, xây dựng Sơn La ngày càng giầu, mạnh, văn minh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Với nội dung tham luận "Đấu tranh chống gián điệp, biệt kích trên địa bàn tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Kinh nghiệm đối với công tác đảm bảo ANTT hiện nay”. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, kiêm Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, nhấn mạnh: Trong giai đoạn 1954-1975, vai trò hết sức to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La cùng với lực lượng Công an tỉnh được phát huy mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích, góp phần lập nên những chiến công tiêu biểu, như đấu tranh Chuyên án chống gián điệp biệt kích Mỹ - ngụy với mật danh Castor nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên, khu tự trị Tây Bắc (nay là huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Toán gián điệp biệt kích này đã bị quần chúng nhân dân địa phương phát giác và tổ chức truy lùng theo phương án đã được tập dượt, đồng thời truyền tin lên huyện và tỉnh theo quy ước. Sau 4 ngày xâm nhập, toán gián điệp biệt kích đã bị bắt cùng toàn bộ vũ khí, điện đài và các phương tiện hoạt động của chúng.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và được lực lượng CAND tiếp tục vận dụng và phát huy trong thời kỳ mới để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hiện nay, như: Chủ động nắm vững tình hình, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, kịp thời tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối về bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trở thành “lá chắn” và “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; coi trọng thế trận lòng dân thông qua đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các mặt công tác công an và đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế Công an nhân dân góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tham luận về "Đóng góp của quân và dân Sơn La trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn Tây Bắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại tá Lê Văn Trung, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2, khẳng định: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Sơn La đã quan tâm, chỉ đạo tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ, do vậy đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thành tích nổi bật, tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đoàn thể quần chúng và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo về khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; vận hành linh hoạt, hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự chủ trì phối hợp và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Các bản dân cư biên giới, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt... được xây dựng cải thiện đáng kể, giúp nâng cao đời sống nhân dân. “Phên dậu biên giới” bền vững góp phần củng cố cơ sở chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên tuyến biên giới Tây Bắc Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cắm mốc và phân định biên giới quốc gia.
Trong 10 năm qua, tỉnh Sơn La đã bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho 64.512 cán bộ, 1.743 lượt già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân cư; 308.794 lượt học sinh, sinh viên. Đồng thời, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng chính trị, độ tin cậy, uy tín cao, đạt 1,8% so với dân số, có 22,6% là đảng viên; thực hiện tốt việc quản lý, huấn luyện và sắp xếp quân nhân dự bị cho các đơn vị dự bị động viên, quân số đạt 99,8% chỉ tiêu, đảng viên đạt 21,26%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 78,16% và trên 30.000 phương tiện kỹ thuật sẵn sàng động viên cho nhiệm vụ quốc phòng...
Quân và dân tỉnh Sơn La cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả hơn các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân và lực lượng vũ trang về ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ đối với việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với các địa phương của Lào, góp phần xây dựng biên giới hữu nghị, hòa bình, phát triển.
Tham luận “Vai trò của Sơn La với liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp” được Thượng tá, TS Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Lịch sử quân sự thế giới Viện Lịch sử quân sự, nêu bật: Sơn La là nơi “khởi nguồn” tạo bàn đạp giúp liên quân Việt Nam - Lào tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyền, thiết lập căn cứ địa Sầm Nưa và sự ra đời của Quân đội nhân dân Lào.
Ngay sau khi Việt Nam và Lào tuyên bố độc lập chưa lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược. Để củng cố và phát triển liên minh chiến đấu giữa hai nước, tháng 10 năm 1945, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký “Hiệp ước tương trợ Lào - Việt” và “Hiệp định về thành lập liên quân Lào - Việt”. Hiệp định “quy định việc chuyển các lực lượng vũ trang Việt kiều ở Lào thành các đơn vị trực thuộc liên quân. Ban Chỉ huy liên quân gồm cán bộ người Lào và người Việt, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào trực tiếp chỉ huy”.
Với chiến thắng Tây Bắc 1952 của quân và dân Việt Nam góp phần động viên, cổ vũ quân và dân Lào đẩy mạnh kháng chiến. Trong suốt quá trình tiến hành Chiến dịch, cũng như sau Chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ, quân và dân Sơn La vừa tập trung cho Chiến dịch, vừa tích cực giúp đỡ cách mạng Lào về mọi mặt để phát triển lực lượng, củng cố chính quyền, mặt trận, xây dựng cơ sở cách mạng, nối thông với căn cứ địa kháng chiến của ta ở Tây Bắc. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Sơn La, liên quân Việt Nam - Lào liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Sầm Nưa, Xiêng Khoảng đã phá vỡ “bình phong” che chở cho địch ở Bắc Lào, địch ở vùng Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum bị uy hiếp, buộc chúng phải tăng cường thêm 20% lực lượng lên Sầm Nưa - cửa ngõ Bắc Lào.
Điểm nhấn, từ ngày 13/4 đến 18/5/1953, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra và giành thắng lợi, căn cứ địa kháng chiến của Lào được mở rộng, nối liền với vùng Tây Bắc (Việt Nam). Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa “là một thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến Lào… là kết quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai nước Việt - Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”. Trong chiến công chung đó, Đảng bộ, quân và dân Sơn La có đóng góp to lớn. Theo thống kê, trong Chiến dịch, quân và dân Sơn La cùng nhân dân Tây Bắc cung cấp tiếp tế cho bộ đội: 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô khác. Trong đó, Mộc Châu đóng góp 1.000 tấn. Ngoài ra, ta còn huy động 62.500 lượt dân công, với 2.525 ngày công phục vụ Chiến dịch... Có thể khẳng định: “Mỗi thắng lợi, mỗi bước phát triển lớn mạnh của cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đều gắn liền với sự đóng góp công sức, sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước ta, của nhân dân Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng.
Đối với giai đoạn hiện nay, để "Phát huy vai trò hệ thống chính trị tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội Sơn La” đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã phát biểu nêu bật: Với quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự vào cuộc của cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng lòng và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đến năm 2020, Sơn La đã trở thành “vựa trái cây” lớn nhất miền Bắc; tỉnh đã có 78.850 ha cây ăn quả (sau tỉnh Tiền Giang có khoảng 80.000ha cây ăn quả), tăng 55.248ha so với năm 2015; xây dựng được nhiều chuỗi nông sản an toàn; xuất khẩu được 16 loại nông sản vào thị trường 12 nước là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... Trong những năm tới, cây ăn quả mới trồng phát triển, sẽ tăng nhanh độ che phủ rừng, từ đó thực hiện nhiệm vụ đảm bảo môi trường sinh thái, giúp Sơn La có tiểu vùng khí hậu phù hợp hơn nữa, tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả của các Nhà máy thủy điện và là “mái nhà xanh” cho vùng đồng bằng Bắc bộ.
Hòa bình lập lại, công tác giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tham luận của Thượng tá Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh về "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn Sơn La - Kết quả và định hướng phát triển" đã nêu rõ: Cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó lực lượng Công an làm trung tâm. Cùng với công tác tuyên truyền về nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh, trật tự được duy trì và nhân rộng, toàn tỉnh có 17.429 “Nhóm liên gia tự quản” về ANTT; 2.530 tổ ANND, 2.537 tổ hòa giải, 2.182 tổ, đội PCCC dân phòng... kịp thời giải quyết những vụ việc liên quan đến ANTT ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng lực lượng Công an Sơn La giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, đã kiện toàn, bổ sung 2.424 công an xã bán chuyên trách; có 261 bảo vệ dân phố; 509 bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Định hướng phát triển công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Sơn La, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, không để phát sinh hình thành các điểm nóng, khiếu kiện phức tạp, đông người, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động chống phá. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội được kiểm soát góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những thành quả đạt được của tỉnh Sơn La sau 70 năm giải phóng có sự đóng góp quan trọng của Ngành Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La ngày càng giàu đẹp, văn minh. Với chủ đề “Tỉnh Sơn La với sự nghiệp nâng cao dân trí”, PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh:
Trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Sơn La, với sứ mệnh nâng cao dân trí luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương và ngành giáo dục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi công cuộc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, phát triển mạnh mẽ quy mô mạng lưới trường lớp; mở rộng các loại hình giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng xã hội học tập. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Kết quả, quy mô mạng lưới trường lớp phát triển mạnh mẽ và rộng khắp các địa bàn trong tỉnh, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của trẻ em, thanh thiếu niên và nhân dân. Toàn tỉnh có 616 cơ sở giáo dục từ giáo dục mầm non đến trung học phổ thông, các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học ngày càng phát triển về số lượng và đồng bộ về cơ cấu. Cơ sở vật chất trường học từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỉ lệ và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được cải thiện. Đến hết năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 346/598 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 57,86% vượt chỉ tiêu được giao, trong đó có 24,5% cơ sở giáo dục được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Ngành Giáo dục và Đào tạo tin tưởng sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn hơn trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững, trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.
Đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Sơn La, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội, Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Dũng, đã tham luận về “Vai trò của các thế hệ thanh niên Sơn La với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh”.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng phong trào "Mỗi người làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt" và phong trào "Ba sẵn sàng", đã có trên 40.000 thanh niên Sơn La đăng ký nhập ngũ và tính đến năm 1974 đã có 11.000 thanh niên gia nhập quân đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào. Đại thắng mùa xuân 1975, non sông, đất nước ta thu về một mối, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và các phong trào do Trung ương đoàn phát động, Thanh niên Sơn La đã tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua của tuổi trẻ như: phong trào "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" ; "Ba xung kích làm chủ tập thể", "Bốn tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "Thanh niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước"; “Thanh niên tình nguyện" . Qua các phong trào đã có hàng vạn thanh niên hăng hái tham gia lao động sản xuất, đảm nhận xây dựng các công trình thanh niên, cải tiến kỹ thuật, khắc phục giao thông, góp phần làm biến đổi tình hình kinh tế - xã hội, từng bước đưa Sơn La thoát khỏi một tỉnh đặc biệt khó khăn, thực hiện bình đẳng và đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng…
Bước sang thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuổi trẻ Sơn La tiếp tục khẳng định là lực lượng xung kích cách mạng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh đoàn Sơn La và các cấp bộ đoàn tỉnh Sơn La, tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn nhằm phổ biến, truyền bá chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; mỗi đoàn viên thanh niên không ngừng phấn đấu, học tập, nghiên cứu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh. Thực hiện có hiệu quả công tác tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Cuộc Hội thảo khoa học “70 năm giải phóng tỉnh Sơn La (22/11/1952 - 22/11/2022) - Thành tựu, thời cơ, thách thức và định hướng phát triển”, đã nhận được hơn 40 tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các ban, sở, ngành tỉnh Sơn La, Thủ trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Quân khu 2, của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học… trong cả nước.
Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu đi sâu nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể, nhưng tựu trung lại đã làm sáng tỏ hơn, đầy đủ hơn trên những nội dung chủ yếu như: Phân tích làm rõ quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp để đi đến ngày giải phóng Sơn La. Nêu bật những thành tựu của Đảng bộ, của quân và dân Sơn La đạt được trong chặng đường 70 năm sau ngày giải phóng, khẳng định nguyên nhân thành công, đúc rút kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Phân tích làm rõ những tiềm năng, lợi thế, thời cơ cũng như thách thức, khó khăn về điều kiện tự nhiên, xã hội, tìm ra các giải pháp, định hướng mục tiêu phát triển.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự báo cáo tổng thuật Hội thảo, nhấn mạnh: Cuộc Hội thảo khoa học được tổ chức hôm nay đúng vào Ngày giải phóng Sơn La của 70 năm về trước, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh; tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, lao động sáng tạo của quân và dân các dân tộc Sơn La, đã nỗ lực vượt qua mọi khó, khăn gian khổ, thực hiện thành công đường lối của Đảng vào địa bàn, đưa Sơn La ngày càng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Đồng thời tôn vinh công lao của các thế hệ đã hy sinh xương máu, lao động quên mình để có được Sơn La như ngày hôm nay, khơi dậy niềm tự hào, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức về tiềm năng thế mạnh, thách thức, khó khăn, mục tiêu phát triển cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, xây dựng quyết tâm sớm đưa Sơn La thành tỉnh khá của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Đây là những giá trị cốt lõi của Hội thảo khoa học.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu bế mạc Hội thảo: Hội thảo khoa học đã bổ sung, làm rõ thêm một cách khá toàn diện, sâu sắc về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Sơn La; tầm vóc, ý nghĩa của ngày Sơn La được giải phóng. Khẳng định thành tựu, kết quả của quân và dân Sơn La đã đạt được trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các kinh nghiệm, giải pháp, định hướng, mục tiêu đã đề xuất tại Hội thảo là sự gợi mở hết sức thiết thực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Sơn La nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Sơn La phát triển nhanh, xanh, bền vững.
Đề nghị các ban, sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình công tác của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tiếp tục tuyên truyền, đưa tin rộng rãi, góp phần giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử ngày giải phóng Sơn La; nhận rõ tiềm năng, lợi thế, thời cơ và thách thức để đưa Sơn La phát triển. Từ đó, xác định trách nhiệm của bản thân, phát huy tinh thần tích cực, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ cán bộ, đảng viên, của người dân Sơn La, quyết tâm đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, xanh, bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!