Những thành tựu nổi bật của tỉnh Sơn La trong 70 năm sau giải phóng

Sơn La cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vừa ra khỏi chiến tranh, lại phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các tỉnh bạn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.

Sau năm 1975, trước bối cảnh trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều biến động, nguy cơ chiến tranh ở hai đầu biên giới đất nước ngày càng hiện hữu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã nỗ lực vượt bậc, vừa phải khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tập trung khôi phục sản xuất, củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường thế trận quốc phòng - an ninh, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đánh thắng âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định đời sống nhân dân.

Trước yêu cầu của thực tiễn đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986 tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đường lối đổi mới đất nước. Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, lần thứ VIII, lần thứ IX, lần thứ X và lần thứ XI, lần thứ XII và lần thứ XIII tiếp tục phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn đường lối đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển, đặc điểm tình hình thực tế đất nước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Sơn La đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và công tác đối ngoại đã đạt được những thành tựu to lớn.

Về kinh tế, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Sơn La đã tận dụng các nguồn lực và lợi thế của địa phương, kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và thành tựu nhiều năm qua, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhịp độ tăng trưởng về GDP bình quân hàng năm được duy trì. Nền kinh tế đạt nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thị trường và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh; các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển. Trong 5 năm (2016-2020) tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước tăng 5,46%/năm. Quy mô kinh tế tăng mạnh, ước thực hiện năm 2020, tổng sản phẩm GRDP (theo giá hiện hành) đạt 56.009 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,2 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tỷ trọng trong GRDP: Khu vực dịch vụ tăng từ 37,2% năm 2015 lên 39,1% năm 2020; công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,9% năm 2015 lên 30,3% vào năm 2020. Riêng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 58.055 tỷ đồng, tăng 3,65% so với năm 2020. 9 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP được duy trì ở mức khá.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Kinh tế của tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá; các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế phát triển tương đối toàn diện; các nguồn lực để đầu tư phát triển được khai thác và phát huy ngày càng có hiệu quả, tạo ra được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng, mở ra thế và lực mới cho sự phát triển. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng đều qua hàng năm; tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tính đến nay toàn tỉnh có 83 sản phẩm (trong đó: 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm đạt 4 sao; 51 sản phẩm đạt 3 sao). Sản xuất công nghiệp tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh về thủy điện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt đến hết năm 2021 ước đạt 98%; trong đó tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 97,1%.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, ngành nghề và thị trường. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, từ các trung tâm thương mại, siêu thị đến các chợ đầu mối, chợ trung tâm tại các đô thị, chợ huyện và chợ xã, ở các cụm dân cư; bảo đảm cung ứng các nhu cầu cơ bản cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ hoạt động mua bán nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2021 ước đạt 161,2 triệu USD. Các vùng kinh tế hình thành rõ nét theo hướng phát huy lợi thế. Vùng kinh tế động lực dọc Quốc lộ 6 đã phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, định hình được kinh tế đô thị, phát triển mạnh dịch vụ, du lịch, các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu chế biến nông sản hàng hóa tập trung, rau, hoa chất lượng cao.

Công tác sắp xếp, ổn định dân cư các xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng tái định cư các công trình thủy điện trong những năm qua được quan tâm. Đặc biệt, Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai cuộc di dân tái định cư để phục vụ xây dựng hai công trình thủy điện lớn của đất nước: Thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Riêng thủy điện Sơn La, đã di chuyển 12.584 hộ với 54.282 nhân khẩu của ba huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu đến nơi ở mới. Vùng tái định cư các công trình thủy điện cơ bản được đầu tư đồng bộ, khoa học và công tác khuyến nông được triển khai tích cực; đời sống và sản xuất của nhân dân vùng tái định cư từng bước ổn định, nội bộ đoàn kết thống nhất, thu nhập bình quân của các hộ tái định cư đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với thời điểm trước khi chuyển dân chỉ đạt 0,34 triệu đồng/người/tháng.

Về văn hóa - xã hội, Đảng bộ tỉnh hết sức chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giáo dục và đào tạo được củng cố; hệ thống trường lớp được phát triển mở rộng đến tất cả địa bàn dân cư trong tỉnh, tạo mọi điều kiện để trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học tập, tạo sự bình đẳng và được tiếp cận giáo dục giữa các dân tộc, vùng miền của tỉnh. Đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy từng bước được chuẩn hóa và nâng lên. Tập trung thực hiện phong trào “lấy việc thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa làm nhiệm vụ trung tâm”, năm 1963 đã thực hiện xóa nạn mù chữ cho 76,3% dân số; đến nay tỉnh được công nhận đạt chuẩn công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học cho 204/204 xã, phường và 12/12 đơn vị huyện, thành phố. Từ tháng 12/2007, toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các năm duy trì ở mức cao, nhiều học sinh đạt các giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc tổ chức bán trú và nấu ăn tập trung cho học sinh thuộc các xã, bản còn đặc biệt khó khăn được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần giảm mạnh tình trạng học sinh bỏ học

(còn nữa)

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY SƠN LA

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới