Xuân Nha là xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Xuân Nha và Tân Xuân, có diện tích tự nhiên 263,37 km², dân số 10.110 người. Phát huy lợi thế, UBND xã chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Với ưu điểm vốn đầu tư ít, sớm cho thu hoạch, thời gian thu hoạch dài, ít sâu bệnh, dễ trồng, năng suất cao, cây măng tre bát độ đang được nhiều hộ dân ở Xuân Nha đưa vào trồng, vừa phủ xanh đất trống, vừa cho thu nhập, nâng cao đời sống. Hiện nay, xã có hơn 200 ha, là địa phương trồng măng tre bát độ lớn nhất vùng.
Thành lập từ cuối năm 2020, với 9 thành viên, HTX Măng sạch Xuân Nha đã vận động các thành viên và nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới 150 ha măng bát độ. Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX, cho biết: Hằng năm, HTX thu hoạch 1.800 tấn măng tươi, chế biến thành các sản phẩm măng khô, măng muối, măng chua. Ngoài ra, HTX còn mua khoảng 128 tấn măng tươi bát độ, 10 tấn măng xé sợi, 2,2 tấn măng khô miếng thành phẩm cho bà con. Sản phẩm măng của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm. Từ cây tre bát độ, bà con có thu nhập từ việc bán măng và cây giống.

Tận dụng lợi thế về khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch, xã Xuân Nha khuyến khích nhân dân phát triển nuôi cá dầm xanh mở thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho cho nhân dân vay vốn mở rộng diện tích nuôi; đưa nghề nuôi cá dầm xanh thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Hiện nay, xã có hơn 500 hộ nuôi cá dầm xanh, với diện tích ao nuôi hơn 25 ha, tập trung tại các bản: Tưn, Nà Hiềng, Chiềng Hin, Nà Lưa và Pù Lầu.
Gia đình anh Ngần Văn Thiết, bản Chiềng Hin - một trong những gia đình tiên phong nuôi cá dầm xanh ở Xuân Nha. Anh Thiết chia sẻ: Hiện nay, gia đình có 2 ao để thả cá giống khoảng 200 m² và 1 ao rộng 4.000 m² nuôi cá dầm xanh. Điều kiện quan trọng nhất để nuôi cá dầm xanh là nguồn nước sạch, ao nuôi cá phải thiết kế cho nước chảy vào, ra thường xuyên, có như vậy cá mới sống khỏe, phát triển tốt và cho chất lượng thịt thơm ngon. Vừa bán cá giống và cá thương phẩm, mỗi năm gia đình thu về gần 400 triệu đồng.
Với lợi thế có bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, bà con trong xã đã nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Hiện toàn xã duy trì đàn gia súc gần 10.000 con. Đồng thời, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tăng đàn vật nuôi đối với các trang trại, gia trại, gắn với bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, xã Xuân Nha đã làm việc với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính xã hội Vân Hồ để nắm tình hình vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện tốt giúp các hộ dân trên địa bàn xã, nhất là hộ nghèo, cận nghèo có động lực để phát triển sản xuất, tập trung các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Phát triển nông nghiệp bền vững, xã Xuân Nha tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống cho năng suất chất lượng cao vào thâm canh tăng vụ. Chú trọng tổ chức liên kết “4 nhà”, gồm: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, giúp nhân dân ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao giá trị và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!