Triển vọng từ mô hình nuôi cá chép gù

Trong chuyến công tác về xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, chúng tôi được thưởng thức món cá nướng rất ngon và lạ miệng. Hỏi mới biết, đây là "cá chép gù"- đặc sản của Ngọc Chiến.

Khu vực nuôi cá lồng của gia đình anh Quàng Văn Hoàng tại lòng hồ Thủy điện Nậm Chiến. 

Nói đến cá chép gù ở Ngọc Chiến, nhiều người kể đến anh Quàng Văn Hoàng, bản Khua Vai, người đầu tiên phát hiện ra đặc tính cá chép gù và tiên phong đi đầu phát triển nuôi giống cá này trên lòng hồ thủy điện Nậm Chiến.

Qua lời kể của bà con trong xã, giống cá này là cá chép V1, tuy nhiên khi nuôi ở lòng hồ thủy điện Nậm Chiến lại có sự sinh trưởng phát triển mang đặc điểm khác biệt với cá chép V1 nuôi ở vùng lòng hồ khác. 

Chủ thuyền đưa chúng tôi thăm quan những lồng nuôi cá chép gù giữa lòng hồ thủy điện, anh Hoàng chia sẻ: Năm 2017, tôi bắt tay làm mô hình nuôi cá lồng, gia đình tôi đầu tư 2 lồng cá, diện tích gần 90m², 1 lồng nuôi cá chép, 1 lồng nuôi cá trắm. Trong quá trình nuôi, nhận thấy cá chép nuôi ở vùng này có đặc tính khác so với nuôi ở các khu vực khác, mình dày, phần lưng hơi gù cao, da cá màu ánh đen, vây, đuôi và khóe miệng màu vàng nhạt, khi chế biến thịt ngon, thơm, xương mềm, ít tanh. Tôi xuất bán cho một số nhà hàng và nhận lại phản hồi rất tốt, được khách hàng rất ưa chuộng và đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ thực khách.

So với cá chép bình thường, cá chép gù mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đối với cá trọng lượng trên 1 kg có giá 160 nghìn đồng/kg; từ 4 - 5 kg và 30 - 50 gam xuất bán với giá 300 nghìn đồng/kg, thu nhập gấp 2 lần so với giá cá chép thông thường. Trung bình được 30-40 triệu đồng/lồng cá chép gù. Năm nay, tôi đã phát triển lên 20 lồng cá với diện tích gần 500m2, trong đó, riêng cá chép gù có 8 lồng với diện tích gần 200m2. Năm 2022, gia đình tôi thu được 1,3 tấn cá chép gù, thu nhập gần 260 triệu đồng/năm.

Cá chép gù của gia đình  anh Quàng Văn Hoàng.

Chia sẻ khó khăn khi nuôi cá chép gù, anh Hoàng nói: Loài cá này đặc tính xương mềm, dễ bị dịch bệnh khi thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm hoặc trong lúc thu hoạch làm cá bị xây sát thì tỉ lệ sống của cá thấp, ảnh hưởng đến cả đàn trong lồng. Tôi theo dõi thường xuyên và chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian sinh trưởng của cá chép gù. Khi cá trưởng thành đủ điều kiện xuất bán phải từ 6 tháng đến 1 năm đạt trọng lượng từ 30 gam đến hơn 1kg; từ 3 - 4 năm cá mới đạt trọng lượng khoảng 5 kg. 

Gia đình anh Hoàng cho cá ăn.

Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Hoàng đã nghiên cứu nuôi gối vụ, mỗi lứa cá cách nhau từ 2-3 tháng để thường xuyên có cá cung cấp cho thị trường. Nếu trước chỉ xuất bán được 1 vụ/năm, thì nay cá luôn sẵn có và cung cấp quanh năm cho thị trường. 

Chị Nguyễn Thị Loan, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến với Ngọc Chiến, ngoài được tắm suối khoáng nóng, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương như: xôi nếp tan, cơm lam, gà nướng… Đặc biệt, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món cá chép gù được chế biến bằng cách nướng trên than củi, thịt rất chắc, thơm, ngọt và xương cá mềm, chấm với muối ớt được giã theo hương vị của đồng bào dân tộc Thái rất thơm ngon, hấp dẫn.  

Món cá chép gù nướng.

Ông Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cá chép gù là sản vật của địa phương cần được nhân rộng. Để duy trì phát triển sản lượng cá chép gù, tháng 7/2022, một số hộ trong xã đã liên kết thành lập HTX Thủy sản Ngọc Chiến, gồm 8 thành viên, đóng góp cổ phần để duy trì phát triển mô hình. UBND huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng để nhân rộng lồng cá với mục tiêu tăng sản lượng cá chép gù, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với những giá trị mang lại, xã Ngọc Chiến đang hướng dẫn, hỗ trợ HTX thủy sản Ngọc Chiến chuẩn hóa các tiêu chí sản phẩm cá chép gù là sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cá chép gù, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới