Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, tạo ra các sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Chính sách mở đường
Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Nghị định gồm 7 Chương, 20 Điều quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
5 năm qua, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ 89 doanh nghiệp, HTX triển khai 24 mô hình sản xuất xoài, nhãn, chanh leo, na, thanh long, cam, bưởi... với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; tuyên truyền, vận động sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để canh tác hữu cơ, bền vững; hướng dẫn tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp có sẵn để ủ phân vi sinh, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được Nhà nước hỗ trợ, các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất. Trong đó, quan tâm ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới, nhà màng trong sản xuất; áp dụng nhiều giải pháp phát triển xanh với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hữu cơ, sử dụng thiên địch phòng chống sâu bệnh và các loại phân bón hữu cơ tự nhiên, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Sau 5 năm, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ Nhà nước hỗ trợ đã chuyển đổi thành công sang sản xuất theo hướng hữu cơ, cho năng suất ổn định, đạt giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Nhân rộng mô hình
HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là một trong những mô hình được Nhà nước hỗ trợ thực hiện sản xuất rau theo hướng hữu cơ đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX, chia sẻ: Sau 2 năm áp dụng quy trình canh tác hữu cơ an toàn, xây dựng thương hiệu tem nhãn trích xuất. Năm 2021, HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho 5 ha rau các loại. Đây là điều kiện quan trọng để HTX mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm rau hữu cơ của HTX cung cấp cho hệ thống các siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Từ những mô hình canh tác hữu cơ đầu tiên, phong trào sản xuất theo hướng bền vững phát triển mạnh tại huyện Mộc Châu. Khởi đầu là các doanh nghiệp, HTX, sau đến các hộ dân đã dần chuyển đổi sản xuất. Thống kê năm 2022, nông dân Mộc Châu sử dụng hơn 5,5 tấn chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ; tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trên tổng lượng phân bón đạt 34,4%; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt 52,15%, tăng 10,37% so với năm 2021. Đến nay, toàn huyện có hơn 415 ha rau, chè, mận được chứng nhận hữu cơ; 1.673 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ, với hơn 2.300 ha cây trồng, tăng 1.424 ha so với năm 2021.
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp 19/5, chia sẻ: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hữu cơ hiệu quả giữa HTX với các hộ nông dân, đến nay, có khoảng 200 hộ tham gia với diện tích 100 ha trồng các loại cây ăn quả, rau theo quy trình VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và 1 cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m² được đầu tư hệ thống thiết bị dây chuyền hiện đại sản xuất các sản phẩm rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo... HTX đã ký cam kết với các thành viên HTX, hộ liên kết sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, tuân thủ nghiêm các quy tắc thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và theo hướng hữu cơ. HTX đã có 6 sản phẩm chế biến được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.
Còn tại huyện Mai Sơn, từ 5 mô hình sản xuất hữu cơ Nhà nước hỗ trợ năm 2019, đến nay, đã phát triển lên 51 doanh nghiệp, HTX áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, với gần 1.100 ha cây ăn quả, cà phê và rau. HTX Ngọc Lan, HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, Liên hiệp HTX Hưng Thịnh, HTX Mé Lếch, HTX Đoàn Kết là những HTX tiêu biểu duy trì tốt mô hình sản xuất hữu cơ, mở rộng diện tích áp dụng hữu cơ tới các hộ liên kết sản xuất.
Thăm mô hình trồng 1ha nho hạ đen của anh Nguyễn Đình Tuấn, thành viên HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Sau 2 năm tự đầu tư, HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, đem lại giá trị kinh tế cao. Năm 2022, sản lượng thu hoạch đạt gần 10 tấn, cung cấp cho hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hoa quả sạch tại một số tỉnh, thành phố, giá bán tại vườn từ 120.000-130.000 đồng/kg, thu 700 trăm triệu đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn thu được trên 1 ha canh tác.
Anh Nguyễn Đình Tuấn, nói: Lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, tôi sử dụng bạt nông nghiệp giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại và áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tưới nước và bón phân nhằm tiết kiệm chi phí, công lao động. Sử dụng vỏ cà phê, lõi ngô và men sinh học để sản xuất phân hữu cơ bón cho vườn nho, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến cà phê.
Hướng đi bền vững
Với nhiều ưu điểm nổi trội, sản xuất theo hướng hữu cơ tạo thành phong trào thi đua sản xuất sâu rộng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.200 ha cây trồng được công nhận sản xuất hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó, 187 ha cây trồng được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ; gần 400 ha cam, bưởi, lúa được chứng nhận chuyển đổi hữu cơ; cấp 281 mã số vùng trồng; xây dựng, duy trì 261 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu và Mai Sơn.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Sản xuất theo hướng hữu cơ cần phải kiên trì và có chiến lược đầu tư lâu dài. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các huyện đẩy mạnh quá trình đổi dồn ruộng đất, dần xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quy hoạch thành vùng, tạo điều kiện phát triển những vùng sản xuất hữu cơ chuyên canh lớn, có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm quả xoài, cam, lê theo hướng hữu cơ với diện tích trên 400 ha. Triển khai 2 chuỗi giá trị mới, sản xuất theo hướng hữu cơ đối với sản phẩm quả na sầu riêng, mít Thái liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô liên huyện.
Cùng với xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hữu cơ, tỉnh ta đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường. Trong đó, tập trung xây dựng các kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản phẩm chất lượng cao; đưa vào các kênh phân phối tại hệ thống các siêu thị và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!