Tỉnh Sơn La có tiềm năng thủy điện lớn. Thời gian qua, hoạt động của các đơn vị thủy điện đóng trên địa bàn tỉnh không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp vào ngân sách tỉnh mà còn góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả thông qua chi trả phí dịch vụ môi trường rừng.
Tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh có 76 thủy điện nhỏ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất 906,85 MW và 3 thủy điện lớn là Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Huội Quảng, Nhà máy thủy điện Nậm Chiến, với tổng công suất 3120 MW. Sản lượng điện hàng năm đạt từ 10,5 tỷ - 12 tỷ KWh, trong đó có 57 dự án thủy điện nhỏ đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 670,25 MW. Hàng năm, các thủy điện lớn và nhỏ đóng góp 10% tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, hàng năm, số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh khoảng 240-260 tỷ đồng, nguồn thu đến chủ yếu từ các cơ sở thủy điện với tỷ trọng thu chiếm hơn 90% tổng thu. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Sơn La luôn nằm trong 5 tỉnh có số thu cao nhất cả nước.
Ông Nguyễn Đình Rĩu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến, cho biết: Đóng chân trên địa bàn tiểu khu 5 thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Nhà máy thủy điện Nậm Chiến có công suất 200 MW. Sản lượng điện hàng năm theo thiết kế là 813,71 triệu kWh. Hơn 10 năm đi vào hoạt động, Công ty luôn thực hiện việc chi trả tiền DVMTR đầy đủ và đúng hạn cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam với tổng số tiền gần 215 tỷ đồng. Việc chi trả DVMTR không chỉ đem lại lợi ích bền vững cho Nhà máy Thủy điện mà còn đóng góp nguồn tài chính trong việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo vệ tài nguyên nước. Trong thời gian tới, Công ty cam kết tiếp tục thực hiện tốt việc kê khai thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng đúng quy định hiện hành.
Với số tiền thu được, hàng năm đã chi trả cho hơn cho hơn 40 nghìn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, trong đó có 2 nghìn chủ rừng là cộng đồng quản lý hơn 50% diện tích, nguồn thu nhập hàng năm từ nhận khoán bảo vệ rừng của cộng đồng khoảng 100-130 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, cho biết: Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp các cộng đồng quản lý bảo vệ rừng tốt hơn. Thay vì phải đóng góp, các bản đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tiền này để xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa bản, lớp học, làm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, góp phần phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 20 nghìn công trình phúc lợi và xây dựng nông thôn mới.
Bản Ít, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La được giao quản lý hơn 1.100 ha rừng, năm 2023, bản được chi trả 350 triệu đồng. Ông Lường Văn Hặc, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ít, cho biết: Từ số tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm nhận được, cộng đồng bản đã bàn bạc, thống nhất trích quỹ dùng để mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, làm đường băng cản lửa, PCCCR, hỗ trợ các thành viên tổ bảo vệ rừng. Riêng năm 2022, bản đã trích hơn 50 triệu đồng để xây kè mương, sửa sân điểm trường mầm non của bản.
Tháng 8/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, trong đó, có nội dung vận động nguồn kinh phí các doanh nghiệp thủy điện hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trồng, phục hồi rừng bảo vệ lưu vực thủy điện. Đến nay, tất cả các đơn vị thủy điện đồng thuận chủ trương và nhất trí hỗ trợ kinh phí cho đề án.
Ông Dương Văn Quyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển điện Nậm Chiến, thông tin: Công ty chúng tôi sở hữu hai nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 và 3, sau khi nghiên cứu Đề án điểm, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương, đồng ý hỗ trợ cho Đề án, góp phần cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, điều hòa nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Với quy mô diện tích rừng lớn với hơn 817.000 ha, rừng trên địa bàn tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Việc các đơn vị thủy điện cam kết hỗ trợ kinh phí, thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, sẽ góp phần bảo vệ rừng, giải quyết sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh trật tự tại các địa phương thuộc lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!