Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, EU cấm nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam nếu được sản xuất trên đất phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Tất cả 100% các sản phẩm nông nghiệp vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám. Như vậy, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn.
Để nông sản Sơn La chủ động thích ứng, UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng và ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và các sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu (EU) trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo quy định, hàng nông sản khi xuất khẩu sang Châu Âu cần phải xác định rõ vùng trồng, địa điểm trồng theo vị trí địa lý và đảm bảo thời gian trồng không liên quan tới việc phá rừng từ sau 31/12/2020. Lưu trữ hồ sơ, thông tin về sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng theo pháp luật trong nước. Việc cấp mã số vùng trồng sẽ có ý nghĩa trong việc cung cấp thông tin chứng minh nếu gắn được cả không gian, thời gian của từng cây trồng.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với chức năng cơ quan chủ trì, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật sản xuất các ngành hàng cà phê, cao su, gỗ, lâm sản,… Sở đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến nông, lâm nghiệp xuất khẩu đáp ứng các quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu; phối hợp thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp… đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX những quy định xuất khẩu hàng hóa có quy định liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu đối với sản phẩm nông lâm sản của tỉnh theo đúng quy định.
Các huyện, thành phố rà soát diện tích cây nông nghiệp trồng trên đất lâm nghiệp, đất rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; hướng dẫn triển khai sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp có truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi quy định của Châu Âu; thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản ngành hàng và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu.
Trong danh mục những mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ Luật chống phá rừng của Châu Âu, tỉnh Sơn La có mặt hàng cà phê bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích cà phê toàn tỉnh trên 20.000ha, sản lượng trên 32.200 tấn ca phê nhân. Phần lớn diện tích được trồng cách đây khoảng 20-30 năm, do đó sẽ ít bị tác động bởi Luật chống phá rừng của Châu Âu. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nếu không chứng minh được nguồn gốc hoặc do không nắm được quy định.
Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La đang liên kết với trên 1.600 hộ dân trên địa bàn các xã của huyện Mai Sơn và Thành phố, với diện tích trên 2.000 ha cà phê có chứng nhận RA. Hằng năm, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Công ty đến từng vùng nguyên liệu kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân hiểu và chấp hành nghiêm quy trình sản xuất; cách sử dụng hóa chất nông nghiệp; kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM); có sổ ghi chép trong quá trình canh tác... Định kỳ đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn của các nông hộ; hỗ trợ nông dân thực hiện tốt tiêu chuẩn.
Ông Vũ Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thông tin: Từ đầu năm đến nay, Công ty đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA cho trên 2.000 nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các các xã, bản lựa chọn xây dựng vườn mẫu, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và cấp phát sổ ghi chép quá trình canh tác cho các hộ, để Công ty có cơ sở truy nguồn gốc. Đồng thời, Công ty có 1 tổ tư vấn trực tiếp cho bà con, đảm bảo không sử dụng những thuốc bảo vệ thực vật cấm.
Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La, chị Đinh Thị Mừng, bản Tường Chung, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Nhà tôi có 1,5 ha cà phê trồng từ năm 2006. Qua tư vấn, hướng dẫn của cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu, giúp gia đình tôi và các hộ hiểu được việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA là điều kiện để cà phê xuất khẩu, nên gia đình tuân thủ và chấp hành theo quy định, quá trình chăm sóc có sổ nhật ký theo dõi, sử dụng phân hữu cơ thay thế vô cơ, thực hiện kỹ thuật thu hái, sơ chế theo đúng quy định và đặc biệt không lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cà phê.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 18.500 ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương. Trong đó, tổ chức RA cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn RA cho 12.179,5 ha; cấp 6.250 ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. (Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La chứng nhận RA 3.140,5 ha, tiêu chuẩn 4C 4.250 ha. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, Chi nhánh Sơn La chứng nhận RA 7.000 ha, 4C 2.000 ha; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La chứng nhận RA 2.039 ha; cấp chứng nhận VietGAP 80 ha).
Việc chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tỉnh Sơn La đã và đang nâng cao chất lượng vùng trồng cà phê theo hướng vùng chuyên canh cà phê đặc sản, chất lượng cao phát triển bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là tuân thủ các điều kiện Luật chống phá rừng của Châu Âu. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 20.000 ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 33.600 tấn; ghép cải tạo, trồng tái canh khoảng 8.000 ha bằng giống cà phê mới; duy trì và phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!