Nông nghiệp Sốp Cộp một năm nhìn lại

Đánh giá kết quả một năm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Sốp Cộp cho thấy, các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch. Duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện.

Nông dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp thu hoạch cam.  Ảnh: Mạnh Hùng

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai hỗ trợ 898 hộ nông dân của 4 xã tham gia sản xuất lúa, với 178 ha; cung ứng 213,72 tấn phân bón hữu cơ, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Tổ chức 21 lớp tập huấn tự nguyện cho 630 nông dân, về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng chính...

Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Trong năm, Phòng đã phân công cán bộ thường xuyên về các xã hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, duy trì 35 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP của 3 hợp tác xã nông nghiệp. Phát triển 5 chuỗi sản phẩm của 4 HTX nông nghiệp (xoài, nhãn; mật ong; quả cam, quýt; thịt trâu gác bếp). Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh, Trường đại học nông lâm Thái Nguyên, cung cấp phiếu khảo sát chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Đăng ký sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP năm 2023; công nhận lại sản phẩm gạo nếp tan Mường Và.

Trong năm, nông dân trong huyện đã gieo cấy 6.197 ha cây lương thực có hạt, tổng sản lượng đạt 23.210 tấn; trồng mới 61,4 ha cây ăn quả các loại, 75,3 ha cây cà phê, 4 ha cây mắc ca. Toàn huyện có 2.239 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 2.044 tấn; 555,5 ha cây cà phê, sản lượng cà phê nhân khoảng 658,8 tấn và 75 ha cây mắc ca...

Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Các chỉ tiêu về nông nghiệp trong năm 2023 của xã đều đạt và vượt. Trong đó, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.655 tấn; hơn 1.450 tấn sắn củ; trồng mới 34,5 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả của xã lên 185 ha, sản lượng đạt 487 tấn quả các loại. Tổng đàn gia súc, gia cầm là 28.530 con; đặc biệt, mô hình nuôi ngựa sinh sản tại bản Sam Quảng, Huổi Phúc quy mô 23 hộ tham gia đang phát triển tốt.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn tham mưu cho huyện chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 156/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình kỹ thuật và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y xã, bản về kỹ thuật tiêm vắc xin và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Duy trì chăn nuôi gần 38.000 con gia súc; trên 313.000 con gia cầm các loại; sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt 3.163 tấn, tăng 42%. Ngoài ra, còn duy trì 3.000 đàn ong, bằng 100,6%; nuôi 312,2 ha thủy sản, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi đạt 534 tấn...

Năm 2024, huyện tập trung củng cố, đầu tư phát triển hiệu quả các vùng sản xuất tập trung chuyên canh tạo sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn dịch bệnh. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn kết hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tăng cường bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng; rà soát chuyển đổi các diện tích rừng khoanh nuôi đủ điều kiện thành rừng sang bảo vệ. Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới