Nâng tầm, phát huy giá trị các sản phẩm nông sản

Với mong muốn quảng bá, nâng tầm, phát huy giá trị các sản phẩm nông sản, HTX Đặc sản Tây Bắc, thị trấn Nông trường Mộc Châu, đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong việc giới thiệu, bán hàng, mang lại hiệu quả tích cực.

HTX Đặc sản Tây Bắc thành lập năm 2019 với 7 thành viên, cùng chung mong muốn biến những lợi thế về sản vật của quê hương Sơn La nói chung, Mộc Châu nói riêng thành sản phẩm đặc sản thay đổi cuộc sống của các thành viên và những người dân. Theo đó, HTX đã liên kết với các hộ nông dân thị trấn nông trường Mộc Châu trồng và nâng cao chất lượng 10 ha các loại cây ăn quả chuyên canh, như hồng giòn, mận hậu, cam…

Ngoài ra, HTX quan tâm chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc như chẩm chéo, thịt trâu, bò gác bếp, bia Tây Bắc bằng cách tự sản xuất hoặc yêu cầu các hộ sản xuất đạt chất lượng sản phẩm cao; thiết kế bao bì, nhãn mác hấp dẫn; các sản phẩm thủ công truyền thống cũng được dưa vào danh mục hàng hóa để đa dạng sản phẩm, phục vụ nhu cầu của du khách.

Giới thiệu các sản phẩm đặc sản tại cửa hàng HTX Đặc sản Tây Bắc.

HTX Đặc sản Tây Bắc được UBND huyện Mộc Châu tạo điều kiện tiếp cận với dự án “Phát triển thị trường nông sản bản địa qua kênh thương mại điện tử do Phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ trong khuôn khổ Dự án Great với xu hướng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0” đã mở ra một hướng mới trong tiêu thụ nông sản cho HTX.

Tham gia dự án, các thành viên HTX được gặp, trao đổi với các chuyên gia, đơn vị sàn thương mại điện tử để tìm hiểu về các kênh bán hàng qua thương mại điện tử và xã hội điện tử. Qua đó, các sản phẩm của HTX đã được nâng cấp, hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, thương hiệu để lên sàn giao dịch. Các thành viên của HTX được tập huấn, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn các quy trình, cách thức có thể bán hàng hiệu quả trên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội...

Đóng gói các sản phẩm tại HTX Đặc sản Tây Bắc.

Bà Bùi Thị Lan, Giám đốc HTX Đặc sản Tây Bắc, chia sẻ: Khi tham gia dự án, các thành viên trong HTX đều hiểu được tầm quan trọng của việc thương mại hóa trên các kênh thương mại điện tử, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm được chú trọng hơn. Các sản phẩm của HTX lần đầu tiên được bán trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, shopee, các website của HTX như: mocchaufood.vn, htxdacsantaybac.com, dacsansonla.net.

Từ ngày lên sàn, các sản phẩm của HTX được mở rộng khắp các miền Bắc và một số tỉnh phía Nam. Thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của HTX từ các kênh thương mại điện tử chiếm gần 50% tổng doanh thu của HTX.

Cam Ly Mộc Châu được xây dựng thương hiệu và dán tem truy suất nguồn gốc.
Ảnh: Thành Đạo (Mộc Châu)

Không chỉ đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong bán hàng, HTX Đặc sản Tây Bắc còn xây dựng thành công thương hiệu Cam ly Mộc Châu, đem lại lợi ích cho HTX và cả vùng cam Mộc Châu. Nâng giá cam Ly từ 60 đến 80, thậm chí 100 nghìn đồng/kg tại Hà Nội và các tỉnh; giá bán tại vườn từ 35 lên 50-55 nghìn đồng/kg. HTX cũng đang tập trung xây dựng câu chuyện thương hiệu hỗ trợ các HTX, trang trại nông nghiệp khác trong tỉnh Sơn La bằng việc xây dựng các video trong series Hành trình đặc sản Mộc Châu, Tây Bắc trên kênh https://www.youtube.com/@Dacsantaybacmc; bằng các bài viết trên mạng xã hội, website. Hỗ trợ các chủ thể OCOP phân phối sản phẩm tại hệ thống cửa hàng ở Mộc Châu và trên các website của HTX. 

Du khách trải nghiệm vườn cam Ly Mộc Châu vào mùa quả chín.         
     Ảnh: Thành Đạo (Mộc Châu)

Anh Hà Văn Chiến, tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu ghép thành công và trồng được giống cam Navel Úc (cam Ly), cho biết: Từ khi phối hợp với HTX Đặc sản Tây Bắc làm thương hiệu sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm, vườn cam Ly của gia đình được nhiều người biết đến hơn; sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và được giá cao hơn. Nhiều khách du lịch sau khi trải nghiệm, thưởng thức cam tại vườn, đã đặt mua vài chục cân về làm quà, thậm chí có du khách ngoại tỉnh sau khi về nhà còn đặt chúng tôi thêm hàng tạ cam Ly.

Sơn La - Mộc Châu có nhiều nông sản phong phú, chất lượng nhưng vẫn còn thiếu những "người kể chuyện, giới thiệu về nông sản" nên sản vật chưa được quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, HTX Đặc sản Tây Bắc không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm… Qua đó, tiếp tục nâng tầm, chắp cánh cho những sản phẩm nông sản Sơn La ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới