Sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 4/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ dần được hình thành, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững
Thuận Châu có 28 xã, thị trấn; thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban Nghị quyết số 07-NQ/HU với 7 chỉ tiêu chính và 17 chỉ tiêu thành phần, phấn đấu đến năm 2025: Toàn huyện có 1.500 ha chè, trên 5.220 ha cây cà phê, 4.600 ha cây ăn quả; 3.000 ha áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ.
Duy trì 1.000 lồng cá, sản lượng đạt trên 1.500 tấn; phát triển 500 ha cây dược liệu; hình thành và phát triển 15 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản tập trung; duy trì và phát triển sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu được bảo hộ; triển khai hiệu quả chương trình OCOP; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản...

Thực hiện các chỉ tiêu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ đề án; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai sâu rộng nghị quyết, đề án tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức, đảng viên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công rõ nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để thực hiện hiệu quả. Đưa các nội dung của nghị quyết vào các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai các dự án hỗ trợ cây, con giống cho nhân dân.
Trên cơ sở định hướng, đến nay, huyện đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, chủ yếu tập trung chuyên canh cây chè, cà phê, khoai sọ và các loại cây ăn quả; các xã vùng cao, vùng sâu phát triển nông, lâm nghiệp; vùng dọc sông Đà phát triển cây cà phê, cao su, trồng rừng, khai thác mặt nước hồ nuôi thủy sản. Nâng cao giá trị sản phẩm, huyện lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân; phát triển giao thông nông thôn, nội đồng; cung cấp thông tin thị trường cho nông dân...

Xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa
Với lợi thế về tài nguyên đất đai, lao động, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, phòng, chuyên môn và các xã vận động nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, dự án sản xuất thử nghiệm có triển vọng để áp dụng vào sản xuất.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư; tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo mỗi xã lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại nông sản chủ lực và nhóm nông sản mà địa phương có lợi thế để tạo ra vùng nông sản tập trung, quy mô hàng hóa lớn.
Nâng cao giá trị sản phẩm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết thành lập các HTX, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 60 HTX, với 1.087 thành viên. Các HTX đã liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo việc làm, thu nhập cho lao động. Doanh thu bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX 45 triệu đồng/năm.

Năm 2020, sản phẩm trà Oolong Thu Đan của Công ty TNHH Trà Thu Đan, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước 250 tấn trà Oolong; tạo việc làm ổn định cho 55 lao động, mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan, chia sẻ: Hiện nay, công ty có 20 ha chè, chủ yếu là giống chè Kim Tuyên, với các sản phẩm chè xanh khô, chè viên túi nhúng. Cuối năm 2024, sản phẩm trà Oolong của Công ty được đánh giá lại đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đây là chìa khóa để sản phẩm tiếp tục khẳng định thương hiệu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là những siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Năm 2021, từ mô hình nuôi gà đen được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, 17 hộ dân ở bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, đã liên kết thành lập HTX nông nghiệp Chà Mạy. Để HTX đi vào hoạt động hiệu quả, Ban giám đốc HTX xây dựng phương án sản xuất; các thành viên tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Anh Lầu A Lâu, Giám đốc HTX nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ, thông tin: Được huyện hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX đang nuôi gần 1.000 con gà đen. Hai sản phẩm ruốc gà đen và gà đen nguyên con hút chân không của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Việc xây dựng sản phẩm đạt OCOP sẽ tạo ra sản phẩm riêng biệt của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên.

Đến nay, toàn huyện có 3.911 ha cây ăn quả, 1.377 ha cây chè, 6.658 ha cây cà phê; duy trì trên 56.000 con trâu bò, 761.000 con gia cầm. Đồng thời, hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gồm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, cà phê, rau quả trái vụ.
Có 25 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với trên 400 ha; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó, 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản... Giai đoạn 2021-2024, toàn huyện đã xuất khẩu hơn 200 tấn quả xoài và 405 tấn quả chuối sang thị trường Trung Quốc, 71 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga và thị trường khó tính khác.
Ngoài ra, huyện duy trì 11 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận và tham gia xuất khẩu, bước đầu khẳng định thương hiệu, như: Trà Oolong Thu Đan, điểm du lịch Pha Đin Top, cá hun khói Chiềng La, cá rô phi lê sông Đà, chè Trọng Nguyên…
.jpg)
Qua rà soát, đánh giá, Thuận Châu đã hoàn thành 4/7 chỉ tiêu chính và 12/17 chỉ tiêu thành phần theo Nghị quyết số 07. Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, thông tin thêm: Hoàn thành các chỉ tiêu, huyện tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình nhất là các chương trình MTQG để tập trung thâm canh, chăm sóc mở rộng diện tích các loại cây ăn quả, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Tăng cường quản lý chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi; tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến của tỉnh.
Với những giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn trong triển khai Nghị quyết số 07, nông nghiệp Thuận Châu đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để huyện bứt phá, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, tạo động lực quan trọng trong hành trình xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!