Nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Đến bản Công Mường, thăm gia đình chị Lường Thị Khôn, có tiếng “mát tay” trong nuôi dê và là đầu mối tiêu thụ dê thịt cho hộ chăn nuôi trong xã. Hằng tháng, gia đình chị lựa chọn xuất khoảng 7 - 10 con dê thịt (35 – 40kg/con) cho thương lái trong và ngoài tỉnh; thu hơn 400 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng nuôi dê quy mô lớn, tạo việc làm cho lao động tại chỗ.
Chị Khôn chia sẻ: Ban đầu do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, đàn dê phát triển chậm, nhiều con bị bệnh về đường hô hấp, ký sinh trùng, nhất là vào mùa đông, mùa mưa. Khắc phục tình trạng đó, tôi đã cải tạo lại hệ thống chuồng, nâng cao mặt sàn lên 1 mét để tạo độ thông thoáng, điều chỉnh hướng chăm sóc, tìm mua nguồn phụ phẩm nông nghiệp như cây ngô, lá mía về ủ chua, sử dụng đầy đủ các loại vắc – xin tiêm phòng cho dê, do đó, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt.

Cấp ủy, chính quyền xã Tông Lạnh đã chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đến với bà con. Năm 2024, xã đã phối hợp với Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện, tổ chức bàn giao 167 con bò giống cho các hộ nghèo ở 4 bản: Táng, Tốm, Bai, Lạn Bóng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2021-2025.
Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác trên 49 tỷ đồng với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống tốt để nâng cao tầm vóc, năng suất. Thực hiện công tác phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi.

Ông Lường Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Toàn xã có trên 8.000 con gia súc, nông dân trong xã đã trồng trên 300 ha cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi tập trung; hình thành và nhân rộng 37 mô hình trang trại, gia trại nuôi chủ yếu: Nhím, dê, bò, lợn… Thu nhập của các trang trại, gia trại đạt từ 100 triệu đồng đến 700 triệu đồng/mô hình/năm.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang thực hiện mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng và trồng cỏ mang lại nhiều lợi ích như kiểm soát được dịch bệnh, tận dụng nguồn phân bón, chất lượng đàn gia súc được nâng cao do có sự đầu tư chăm sóc. Hơn nữa, xã Tông Lạnh đang xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao nên việc đưa gia súc ra chuồng trại nuôi nhốt tập trung, góp phần cải thiện môi trường, tạo điều kiện hoàn thiện và giữ vững được tiêu chí cảnh quan môi trường.
Nhân rộng mô hình, xã Tông Lạnh tiếp tục vận động các hộ dân đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng, chế biến thức ăn dự trữ cho gia súc, kỹ thuật xây dựng chuồng trại nuôi bò nhốt sinh sản và vỗ béo, góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, tăng thu nhập cho nhân dân./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!