Dấu ấn Festival trái cây và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn tổ chức đã để lại ấn tượng sâu sắc. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước hội tụ về Sơn La - Sự kiện có ý nghĩa quan trọng để tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, quảng bá tiềm năng, cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ trái cây, sản phẩm OCOP ở trong và ngoài nước; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Theo sát chuỗi các hoạt động Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam, các đại biểu, du khách đến với Sơn La lần này đều có chung cảm nhận, đó là những ấn tượng sâu sắc về một tỉnh Sơn La với sự phát triển nhanh và tương đối rộng khắp trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là một Sơn La có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.
Nhận xét việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc là một thay đổi tư duy quan trọng, có tính đột phá, đổi mới, tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển của tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Quang Nông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, nói: Bước phát triển nông nghiệp ở Sơn La không phải là sớm so với nhiều tỉnh, nhưng lại phát triển rất nhanh. Sơn La và Bắc Giang có diện tích trồng cây ăn quả lớn, qua chuỗi sự kiện tổ chức ở Sơn La thì chúng tôi học hỏi được rất nhiều về vấn đề liên kết, hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản. Chúng tôi rất đồng tình với ý tưởng của Sơn La xây dựng những thương hiệu nông sản của địa phương để các sản phẩm nông sản ở hai tỉnh nói riêng, các địa phương khác nói chung được hội nhập quốc tế tốt hơn.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển; đến nay, toàn tỉnh đã có 83.000 ha cây ăn quả các loại, như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn..., với sản lượng trên 362.000 tấn/năm; đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Xây dựng, duy trì và phát triển 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 281 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.608 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; có 109 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Big C, Winmart, HaproMart; tiêu thụ trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; đã có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...
Ấn tượng với khẩu hiệu: “Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”, GS.TS Võ An Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: Khẩu hiệu “xanh, nhanh và bền vững” đang là xu thế chung của sự phát triển hiện nay ở nhiều địa phương. Nhưng với Sơn La lại mang tính chất rất riêng, bởi Sơn La đã lấy dịch vụ nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp làm điểm nhấn, đó sẽ là sự ổn định cao vì các sản phẩm nông sản của Sơn La đã và đang khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế. Với tiềm năng hiện nay, tin tưởng Sơn La sẽ tăng tốc để phát triển, bởi Sơn La đang sở hữu “vàng xanh” về cây trái, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản đã hướng tới các thị trường khó tính, có sự phân khúc cao.
Phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị ngành nông nghiệp nói chung, tỉnh ta đang tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái trái cây, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Sơn La và cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Để nông sản trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Sơn La đang tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản, đó là: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu, phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”), lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Tiếp tục tổ chức cấp mã số vùng trồng; tăng cường quản lý, hướng dẫn, giám sát sản xuất tại các vùng sản xuất nông sản đã được cấp mã số vùng trồng. Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp; công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao; canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh; tế bào quang điện; sử dụng người máy thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi; sử dụng các thiết bị bay không người lái và các vệ tinh.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, đảm bảo lợi ích của các đối tượng tham gia dự án hoặc phương án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch, gắn phát triển du lịch với việc tổ chức các hoạt động, chương trình công bố giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trọng tâm là phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ; Các cơ sở chế biến nông sản (sắn, mía, cà phê, chè, quả...).
Thông qua sự kiện, hình ảnh về một tỉnh Sơn La năng động trên con đường đổi mới và phát triển tiếp tục được củng cố vững chắc. Đây sẽ là những điều kiện quan trọng để Sơn La thực hiện thắng lợi mục tiêu “Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!