Với lợi thế bán hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến, thành phố Sơn La đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội.
Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã phối hợp tổ chức 35 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP và hướng dẫn phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho 54,5 ha cà phê, trên 166 ha cây ăn quả; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho gần 93 ha cây ăn quả; gần 40 ha cà phê được cấp chứng nhận 4C, UTZ, RA; hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 5 HTX; hỗ trợ 3 HTX mua bao bì mới đóng gói sản phẩm và hỗ trợ xây dựng 10 sản phẩm OCOP; phát triển thêm 8 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, nâng tổng số lên 15 chuỗi.
Đồng thời, hỗ trợ 640 triệu đồng cho 7 doanh nghiệp, HTX phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường theo Nghị quyết 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của HĐND tỉnh; hỗ trợ trên 217 triệu đồng cho 5 hộ gia đình xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản theo Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh. Ngoài ra, hỗ trợ 1,7 tỷ đồng cho HTX cà phê Bích Thao Sơn La xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến.
Từ sự quan tâm hỗ trợ của thành phố, giúp các HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình cho năng suất, thu nhập cao. Mô hình thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp An Phú, phường Chiềng An, năng suất đạt 22 tấn/ha, lợi nhuận đạt 200-250 triệu đồng/ha; mô hình nuôi bò 3B thương phẩm tại xã Chiềng Đen, cho lợi nhuận khoảng 200 triệu/năm; mô hình trồng cam, tại xã Chiềng Xôm, năng suất đạt 20 tấn quả/ha, lợi nhuận đạt 350 triệu/ha; mô hình trồng cà phê đặc sản của HTX cà phê Bích Thao Sơn La, trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu 4.000-6.000 tấn cà phê nhân, 1,5 tấn cà phê rang xay và cà phê bột, doanh thu đạt 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được triển khai, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, các tập đoàn viễn thông, bưu điện tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử; hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn livestream bán hàng trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước.
Đến nay, đã có 50 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của Thành phố được bán trên sàn thương mại điện tử PostMart (buudien.vn); trên 700 cơ sở kinh doanh mở tài khoản, trang bị mã QR-Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. trong đó, sản phẩm cà phê của HTX cà phê Bích Thao Sơn La được bày bán tại chuỗi các cửa hàng OCOP, hệ thống siêu thị Mega Market; sản phẩm rau an toàn của HTX Nông sản an toàn Sơn La, xã Chiềng Đen và sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp An Phú, phường Chiềng An được bày bán trên hệ thống chuỗi cửa hàng rau an toàn trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội...
Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố Sơn La tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng; từng bước áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại hiện đại. Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối nông sản; tham gia hội chợ hàng nông sản cấp vùng, cấp miền và các hội nghị kết nối cung, cầu hàng hóa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!