Xây dựng trường học thân thiện gắn với bản sắc dân tộc

Mô hình “Trường học hạnh phúc gắn với văn hóa bản sắc dân tộc” trên địa bàn thành phố Sơn La đang được các trường mầm non triển khai hiệu quả, từng bước tạo môi trường học tập thân thiện, sinh động và đậm đà bản sắc dân tộc.

Giọng nữ
Cô và trò Trường Mầm non Chiềng Xôm, Thành phố học múa xòe.

Trường Mầm non Hua La đã xây dựng góc “Quê hương Sơn La” là nơi trưng bày nông cụ truyền thống, như: Cuốc gỗ, nong nia, giỏ đan,... những vật dụng gần gũi, gắn bó với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao. Giáo viên không chỉ hướng dẫn trẻ gọi tên, mà còn kể những câu chuyện về nguồn gốc, cách sử dụng, ý nghĩa văn hóa của từng món đồ. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động phiên chợ vùng cao, trò chơi dân gian, tìm hiểu về trang phục truyền thống... giúp khơi dậy hứng thú học tập, cảm nhận giá trị văn hóa qua từng đồ vật, câu chuyện, điệu múa, lời hát.

Cô giáo Lò Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua La, chia sẻ: Từ trong trường học, không gian văn hóa không chỉ giúp trẻ hình thành niềm tự hào dân tộc mà còn tạo nên môi trường học tập thân thiện, hấp dẫn, nơi trẻ được học, được chơi và lớn lên cùng văn hóa của dân tộc mình.

Còn tại Trường Mầm non Chiềng Xôm, các lớp học được bài trí bằng tranh ảnh, thổ cẩm, trang phục dân tộc... tạo nên sự sinh động và gần gũi. Hằng ngày, trẻ được học hát dân ca Thái, múa xòe, chơi ném còn, gói bánh chưng, làm cơm lam... Mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề như “Chợ quê em”, “Bé vào hội xuân”, “Ngày Tết quê em”... để trẻ phát huy tính sáng tạo và thể hiện mình.

Giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng, xã Chiềng Ngần giới thiệu cho trẻ về trang phục đồ dùng của dân tộc Thái.

Cô Quàng Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Chiềng Xôm, cho biết: Chúng tôi dạy trẻ từ những điều gần gũi nhất, chào hỏi bằng tiếng Thái, gọi tên hoa văn thổ cẩm; giới thiệu về các lễ hội cổ truyền. Khi trẻ hiểu mình là ai, từ đâu đến, các em sẽ biết trân trọng bản sắc của dân tộc và tự hào về nguồn cội.

Việc các trường mầm non đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động trải nghiệm văn hóa, từ trang trí lớp học bằng tranh ảnh, họa tiết thổ cẩm, đến xây dựng các khu vực trải nghiệm ngoài trời, tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận văn hóa bằng các giác quan. Với sự đồng hành của phụ huynh và cộng đồng địa phương, giúp cho không gian văn hóa các dân tộc tại trường học thêm đa dạng và gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của trẻ.

Một số trường còn mời các nghệ nhân, người cao tuổi trực tiếp truyền dạy trẻ các làn điệu dân ca, kỹ năng làm đồ thủ công. Chính sự đồng hành ấy đã giúp nhà trường trở thành nơi bảo tồn và tiếp nối văn hóa một cách tự nhiên, bền vững. Trẻ không chỉ tiếp nhận tri thức, mà còn sống trong môi trường giàu chất văn hóa, thấm dần niềm tự hào về dân tộc, quê hương.

Giáo viên Trường Mầm non Hua La giới thiệu cho học sinh về trang phục áo cóm của dân tộc Thái.

Ông Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, cho biết: Phòng chỉ đạo các trường mầm non thực hiện lồng ghép các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của địa phương trong các hoạt động giáo dục âm nhạc, mỹ thuật; giáo dục trải nghiệm; các hoạt động sau giờ chính khóa... Qua đó tạo môi trường giúp trẻ có những hiểu biết ban đầu về văn hóa địa phương; có khả năng cảm nhận và thể hiện cái hay, cái đẹp trong văn hóa các dân tộc.

Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường mầm non thông qua “Góc địa phương”, “Góc truyền thống” hay các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, không chỉ giúp trẻ có ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần bồi đắp nhân cách sống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

Yến Vi (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới