Những năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh được các cơ quan chức năng, trường học trong tỉnh tập trung đổi mới nội dung, phương pháp. Qua đó, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển của địa phương; góp phần nâng cao tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, giáo dục lịch sử địa phương (GDĐP) là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý cũng như cập nhật thông tin về kinh tế, xã hội của địa phương. Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm. Đối với cấp THCS và THPT nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Các địa phương căn cứ nhu cầu thực tế, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp cho địa phương mình để triển khai trong các trường học.
Đánh giá về hiệu quả môn học, Tiến sỹ Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Đến nay, chương trình GDĐP các cấp học được các trường học của tỉnh triển khai thực hiện đúng yêu cầu, đảm bảo chương trình đề ra. Nội dung được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của tỉnh. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các trường học trên địa bàn tổ chức Cuộc thi tìm hiểu 60 năm nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác Hồ dạy. Ông Lò Minh Hiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho biết: Tổ chức giáo dục truyền thống lịch sử quê hương cho học sinh là rất cần thiết, gắn với chương trình giảng dạy lịch sử địa phương; duy trì thường xuyên các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, truyền thống lực lượng vũ trang, các di tích lịch sử, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh.
Nét nổi bật, các trường lựa chọn chủ đề thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục trải nghiệm, dự án học tập tích cực gắn với tình hình kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, văn hóa địa phương để đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển của tỉnh.
Tại Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La, môn học này được đưa vào giảng dạy ngay từ tuần đầu của học kỳ II năm học 2022 - 2023. Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu nói: Trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy để đảm bảo đầy đủ 35 tiết/lớp/năm học. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên tích cực, sáng tạo, đồng thời sưu tầm, trình chiếu nhiều video, hình ảnh thực tế phù hợp với bộ môn phụ trách nên việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình chính khóa rất thuận lợi.
Cùng với đó, vào các ngày lễ lớn trong năm, các kỳ thi quan trọng, lễ tổng kết năm học,... Nhà trường đều tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài bán thân Nhà Cách mạng - Liệt sĩ Tô Hiệu, báo công thành tích của thầy và trò nhà trường đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, Nhà trường phân công nhiệm vụ định kỳ cho GVCN các lớp đảm nhận việc tổng dọn vệ sinh, chăm sóc cắt tỉa hoa tại khuôn viên tượng đài. Qua đó bồi đắp niềm tự hào cho các thế hệ học sinh được học tập tại ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng - liệt sĩ Tô Hiệu, luôn phát huy truyền thống, mang trí tuệ, công sức cống hiến cho quê hương, đất nước.
Trường tiểu học Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, các thầy cô giáo có nhiều cách làm sáng tạo để giờ học giáo dục lịch sử địa phương thêm hấp dẫn, sinh động. Gần đây nhất, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan thực tế, tìm hiểu di tích lịch sử kháng chiến chống Mỹ cầu Tà Vài.
Em Phạm Phương Uyên, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Chiềng Hặc, chia sẻ: Em rất thích học môn Giáo dục lịch sử địa phương, qua môn học giúp chúng em thêm tự hào về truyền thống của quê hương.
Việc đưa môn giáo dục lịch sử địa phương vào chương trình dạy học tại các trường học trên địa bàn tỉnh, đã giúp học sinh ý thức được trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tích cực học tập, đóng góp công sức vào xây dựng quê hương phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!